Trong tâm trạng lo lắng trước hàng loạt thông tin không tích cực từ chính trường và thị trường châu Âu, các nhà đầu tư chứng khoán ngày 9/11 đã bán tháo tài sản, làm cho các loại cổ phiếu chủ lực tại thị trường Mỹ bị mất giá thảm hại nhất từ tháng Chín vừa qua. Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn nguồn từ thị trường chứng khoán New York cho biết ngày 9/11 bảng điện tử của khu tài chính Phố Wall này rực sắc đỏ trước những thông tin về nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng, nhất là những thông tin nói rằng đảng cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang thảo luận khả năng cho phép các quốc gia rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng vẫn nằm trong Liên minh châu Âu (EU). Chi phí vay mượn tăng mạnh của các ngân hàng Italy cộng với giá của đồng euro sụt giảm xuống mức chỉ đổi được 1,37 USD cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo lắng. Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trung bình 389,24 điểm (tương đương 3,2%), xuống chỉ còn 11.780,94 điểm. Đây là sự sụt giá lớn nhất của loại cổ phiếu chủ lực này trong một ngày kể từ ngày 22/9 vừa qua. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composit thậm chí còn giảm sâu hơn, mất 3,9%, tương đương 105,84 điểm, xuống còn 2.621,65 điểm trong khi chỉ số Standard & Poor's 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng giảm 46,82 điểm (tương đương 3,7%), còn 1.229,1 điểm. Cổ phiếu của các công ty tài chính và kinh doanh nguyên vật liệu bị giảm mạnh nhất, trong đó cổ phiếu của J.P. Morgan Chase giảm tới 7,1%, của Bank of America giảm 5,7%, Hewlett-Packard và Alcoa giảm 5,4%. Cổ phiếu của Morgan Stanley mất giá thảm hại vì các nhà đầu tư lo ngại khoản tiền 1,79 tỷ USD mà tập đoàn tài chính này đang đầu tư tại Italy. Các loại cổ phiếu chủ lực của châu Âu cũng mất giá, trong đó chỉ số DAX của Đức giảm 2,2%, FTSE MIB của Italy giảm 3,8% do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng của chính phủ Italy trong việc xử lý khoản nợ 1.900 tỷ euro.