KTĐT - Giới phân tích nhận định lượng tiền lưu chuyển trên thị trường khoảng hai tháng qua chỉ một ít là tiền vay, hoặc từ đòn bẩy.
Bán hơn 60% danh mục cổ phiếu ở tuần giáp Tết, nhưng chị Anh, nhà đầu tư sàn chứng khoán ACBS đến nay vẫn giữ nguyên tiền mặt mà chưa giải ngân vào một mã nào.
Theo chị Anh, nhiều người hiện đứng nhìn thị trường hơn là đổ tiền vào. Một số chờ Vn-Index rớt xuống 450-470 điểm mới gom vào. Chính vì vậy, tình trạng giá mua bán trên bảng điện tử vênh nhau diễn ra nhiều ngày liền. Người mua không cập rập, ngược lại cứ đủng đỉnh tung lệnh mua giá thấp, mặc cho người bán đặt giá cao, khiến khối lượng giao dịch liên tục duy trì ở mức thấp.
Anh Thanh, sàn Kim Eng lý giải: "Sau Tết, tiền nhàn rỗi không còn dồi dào, lại dồn dập đón nhận tin xăng, điện, nước kéo nhau tăng giá. Kết quả, doanh nghiệp cõng thêm chi phí đầu vào, cùng với đó là nỗi lo lạm phát lên cao trong những tháng tới, càng khiến những nhà đầu tư có ý định bỏ tiền vào cổ phiếu lưỡng lự". Chưa nắm rõ xu hướng thị trường nên anh cùng các chiến hữu từ sau Tết vẫn án binh bất động. Thay vì đều đặn đến sàn như trước, nhóm đầu tư của anh Thanh chỉ còn vài người lui đến sàn họp nhóm, số còn lại vi vu đi du lịch.
Giới phân tích nhận định lượng tiền lưu chuyển trên thị trường khoảng hai tháng qua chỉ một ít là tiền vay, hoặc từ đòn bẩy. Biểu hiện ở thanh khoản duy trì ổn định ở mức thấp nhiều phiên liền. Không bị áp lực trả lãi vay chi phối, nhà đầu tư không phải bán tháo, xả hàng bằng mọi giá nên giới phân tích cho rằng thị trường sẽ không giảm quá sâu. Tại các ngưỡng hỗ trợ quanh 480-485 điểm, lực mua nhiều khả năng sẽ tăng mạnh.
Còn hiện tại, mọi con mắt đổ dồn vào chỉ số giá tiêu dùng - một thông số đo lường lạm phát, để ra quyết định đầu tư. Thêm vào đó: "Nhà đầu tư lo ngại diễn biến của chính sách tiền tệ trong thời gian tới, cũng như khả năng kiểm soát cung tiền một khi lạm phát ở mức cao", Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long - Quách Mạnh Hào cho biết.
Theo ông, nếu hết quý I lạm phát ở mức không đáng ngại, nhà đầu tư sẽ giải ngân tích cực hơn, tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. Còn thời điểm này, nhiều người chưa muốn tham gia. Bởi phần lớn nhà đầu tư nhìn vào mục tiêu ngắn hạn trước mắt mua vào có lãi hay không, thay vì chiến lược ôm và giữ cổ phiếu lâu dài.
Ngoài dư âm Tết vẫn còn lan tỏa, thì những điều chỉnh giá xăng dầu điện nước đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, khiến hoạt động mua bán chưa thật sự quyết liệt ở tuần đầu tiên sau Tết. Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS) - Phạm Linh cho rằng: "Đón nhận một lúc nhiều thông tin, nhà đầu tư cần thời gian ngẫm nghĩ". Song, do thanh khoản hiện nhích nhẹ so với tuần trước Tết nên theo, ông lượng giao dịch có thể sẽ cải thiện hơn nữa vào tuần sau.
Tháng 2, giao dịch chứng khoán sàn TP HCM phổ biến ở mức 20 triệu một phiên. Sàn Hà Nội có ngày chưa đến 10 triệu chứng khoán chuyển nhượng, giảm một nửa so với tháng đầu năm và chỉ bằng một phần ba, một phần tư so với quý IV năm ngoái. Trái ngược với nhiều nhận định cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư trung và dài hạn hay tái cơ cấu danh mục, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ chặt tiền trong túi.