Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ 3/9: Chỉ được bày bán thịt động vật trong vòng 8 giờ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, thời gian tới, các sản phẩm thịt và phụ phẩm (toàn bộ đầu, đuôi, chân, da, mỡ và phủ tạng ăn được của động vật) bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ.

Để hạn chế tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Thông tư yêu cầu, thịt và phụ được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống.

Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Đối với trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C thì chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ từ khi giết mổ.

Từ 3/9: Chỉ được bày bán thịt động vật trong vòng 8 giờ - Ảnh 1
Thịt và phụ được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ. (Ảnh: Internet)

Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ.

Theo thông tư, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thịt và phụ phẩm phải được sản xuất từ vật liệu an toàn, không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ, bảo đảm chất lượng của thịt và phụ phẩm trong thời hạn sử dụng, phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đối với chủ, người làm việc tại cơ sở kinh doanh thịt, phụ phẩm phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

Những người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da không được pha lọc, bán hàng và bốc dỡ thịt và phụ phẩm.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống có đăng ký kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 3/9/2012.

Trong tháng 7, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong.

Tính chung bảy tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 74 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.400 người bị ngộ độc, trong đó 16 trường hợp tử vong.