Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ chức không còn là bất thường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những quy định cụ thể được đưa ra trong quy định mới của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Trong đó, đặc biệt là những nguyên tắc liên quan đến từ chức, tạo thêm hành lang pháp lý quan trọng để nhắc nhở, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình.

 Ảnh minh họa
Hiện nay, miễn nhiệm, từ chức đã được đề cập trong một số quy định của Đảng, được cụ thể hóa tại Luật Cán bộ, công chức và được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế mỗi khi có vấn đề nóng và liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, dư luận xã hội lại đặt ra vấn đề từ chức. Tuy nhiên, điều này vẫn còn rất hiếm xảy ra. Hiện tượng một số cán bộ các cấp, dù không đủ uy tín, tín nhiệm, dù yếu kém về năng lực quản lý điều hành, nhưng vẫn nhất quyết tại vị theo tư duy nhiệm kỳ. Thậm chí, những yếu kém này đã được các cơ quan kiểm tra chỉ rõ, tuy chưa đến mức phải xử lý, kỷ luật nhưng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn thường đưa ra những lý do khách quan để bao biện, hay chỉ xin... rút kinh nghiệm thay vì từ chức.

Trong khi như nhiều ý kiến đã chỉ ra, cán bộ phải thấy rằng việc từ chức khi không đảm đương được nhiệm vụ hay để xảy ra những vi phạm lớn… thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng của mỗi người. Nhưng sở dĩ lâu nay ít có người từ chức, ngoài hành lang pháp lý chưa cụ thể thì còn có những nguyên nhân khác, trong đó có việc chức tước gắn liền với quyền lợi. Có chuyên gia đã thẳng thắn nhận xét: “Chức tước gắn với nhiều quyền lợi nên nhiều người có tâm lý "bám ghế", "bám chức", "bám quyền" thay vì lý do danh dự hay cảm thấy mình không đủ khả năng, sức khỏe mà từ chức”. Bởi thế, việc từ chức, đáng lý là bình thường, lại trở thành những “hiện tượng” trong xã hội.

Với quy định mới của Bộ Chính trị, những quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức áp dụng với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã được chỉ rõ. Trong đó, đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp như do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Đồng thời, cũng quy định rõ việc người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Những quy định cụ thể và chặt chẽ này đã nhận được sự đồng tình lớn từ cán bộ, đảng viên, góp phần gỡ những nút thắt trong thực tế, cũng như góp phần vào việc nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những cán bộ sai phạm hoặc tiếp tay cho vi phạm. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho những người thấy cần thiết phải rút lui khỏi vị trí khi không còn đủ tín nhiệm. Hơn hết, với những quy định chặt chẽ, tự thân cán bộ, lãnh đạo sẽ ý thức được trách nhiệm cá nhân trong điều hành và xem việc bản thân yếu kém, rời bỏ vị trí là bình thường.

Với quy định mới này, người dân kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đấu tranh với tiêu cực, vi phạm và “văn hóa từ chức” sẽ không chỉ còn là một hiện tượng bất thường nữa.