Tự chế mìn, rủ em trai đi cướp tiệm vàng
Không có nghề nghiệp ổn định lại cần tiền tiêu xài nên Tạ Văn Thanh (SN 1987, ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nảy sinh ý định đi cướp tiệm vàng. Đầu năm 2012, Thanh gặp Bùi Thanh Khá (SN 1987, trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), là công nhân khoan nổ mìn khai thác đá nơi Thanh từng làm việc ở Lạng Sơn để hỏi mua thuốc nổ, kíp nổ. Lần đầu tiên, Khá bán cho Thanh 7kg thuốc nổ công nghiệp (ANFO) và 10 kíp nổ. Sau đó vài ngày, Khá lại bán thêm 29kg thuốc nổ ANFO và 10 kíp nổ nữa. Tổng cộng là 36kg thuốc nổ ANFO cùng 20 kíp nổ với giá 4 triệu đồng.
Có thuốc và kíp nổ, Thanh rủ em trai cùng cha khác mẹ là Tạ Hải Hà (SN 1992) cùng chế tạo thuốc nổ, với cơ cấu kích nổ bằng điện thoại di động và điều khiển từ xa của trò chơi ôtô trẻ em. Với cách kích nổ bằng điện thoại di động, Thanh khéo léo tắt rung khi có tin nhắn và dùng dịch vụ chỉ nhận cuộc gọi từ 1 số của đồng bọn đi cướp cùng để tránh bị nổ khi vô tình có người khác gọi đến. Sau vài lần thử nghiệm thành công, Thanh đã chế tao một quả nổ nặng khoảng 10kg rồi rủ em họ là Phí Văn Mạnh (SN 1990) đến tiệm vàng Phúc Sinh (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với ý đồ cướp vàng.
Thanh vào tiệm vàng, đặt khối mìn và viết yêu cầu: “Yêu cầu hợp tác nếu không cho kích nổ, gọi vào số máy…”. Trong lần cướp này, Mạnh ngồi ngoài gọi nhầm vào số máy bàn của cửa hàng vàng bên cạnh nên đã không cướp được.
Các bị cáo trong giờ nghị án
Sau vụ cướp bất thành này, Thanh tiếp tục chế tạo 2 quả mìn khác. Một quả điều khiển bằng điện thoại do Hà cầm, một quả điều khiển bằng điều khiển từ xa do Thanh cầm vì sợ Hà lại nhầm như Mạnh lần trước sẽ “hỏng việc”. Sau khi bàn bạc thống nhất "phương án" hành động, Thanh đèo Hà bằng xe máy đến cửa hàng vàng bạc Hoàng Tín (phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội). Tại đây, Hà được phân công đứng đối diện bên đường cảnh giới, còn Thanh sẽ vào "xin tiền".
Thanh vào tiệm vàng, đặt ba lô có mìn ở dưới đất, gần quầy thu ngân cùng dòng chữ “đề nghị hợp tác nếu không nổ mìn”. Chủ tiệm vàng hỏi chuyện thì Thanh nói: “Đang chán đời, cần tiền tiêu”. Chủ tiệm bảo cho 3 triệu thì Thanh chê ít, không đủ. Cùng lúc đó, bảo vệ giằng chiếc túi với Thanh. Chủ tiệm vàng cùng bảo vệ giằng được chiếc túi thì Thanh bỏ chạy. Bảo vệ tiệm vàng ném túi ra đường, hạ cửa cuốn.
Trong khi đó, Hà nghe thấy tiếng hô: “Bắt lấy nó” và thấy Thanh chạy từ trong cửa hàng vàng ra nên đã bấm số điện thoại kích nổ quả mìn. Hà vừa bấm cuộc gọi có tín hiệu chờ nối máy thì quả mìn phát nổ. Vụ nổ đã làm 15 người bị thương, rất may không ai thiệt mạng. Tổng tài sản thiệt hại là gần 700 triệu đồng. Thanh bị bắt giữ ngay sau khi xảy ra vụ nổ khoảng 20 phút. Còn Hà, kích nổ xong, đã bắt xe ôm sang Bến xe Gia Lâm và đi xe về nhà. Hà lấy số kíp nổ còn lại Thanh để trong túi xách vứt xuống kênh nước gần nhà. Số thuốc nổ còn lại, Hà mang đến lều trông vịt của anh ruột cất giấu và ngủ ở đây. Ngày 22/6/2012, Hà bị bắt giữ.
Nỗi đau của đấng sinh thành
Ngày 21/5, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Tạ Văn Thanh, Tạ Hải Hà về tội "Giết người", "Cướp tài sản", "Hủy hoại tài sản" và "Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ"; Phí Văn Mạnh về tội "Cướp tài sản"; Bùi Hữu Khá về tội "Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ".
Trong khán phòng chật ních người dự, bà Đương (mẹ đẻ Tạ Hải Hà) ngồi khuất sau ở hàng ghế cuối cùng. Khi nghe đại diện Viện kiểm sát đọc bản luận tội, trên gương mặt lam lũ của bà Đương thỉnh thoảng lại hằn lên nỗi lo lắng, thấp thỏm. Đôi lúc bà lại nghển cổ lên dường như để nghe cho rõ hành vi gây ra tội ác tày trời của hai đứa con.
Bà cho biết, cả đêm hôm trước bà thấp thỏm, không ngủ được. Đồng hồ mới điểm 4 giờ sáng, bà đã lục đục ra khỏi giường. "Tiếng là dậy sớm cho gà, cho lợn ăn rồi đi nhưng tôi cứ quanh ra quẩn vào không làm được việc gì nên lại phải nhờ đứa em làm giúp. Gần 6 giờ sáng, tôi và mấy người thân cùng ra bến bắt xe về Hà Nội. Loanh quanh tìm đường nên mãi gần 8 giờ mới có mặt ở cổng tòa. May mà các báo có đưa tin, tôi mới biết mà đến đấy chứ nào tôi có nhận được giấy báo từ tòa án đâu"- bà phân trần về việc bà tham dự phiên tòa.
Theo lời bà kể, Hà vốn là một đứa hiền lành, ít nói. Nhà nghèo, đang học dở lớp 9 thì cậu ta nghỉ học. Vốn không cùng mẹ sinh ra và không ở cùng nhà nhưng hai anh em Thanh và Hà khá thân thiết với nhau. Thanh đi làm kiếm được ít tiền, cũng cho em tiêu vặt. Còn Hà thì rất nghe lời anh, có chuyện vui buồn gì cũng to nhỏ với anh. "Khi biết hai đứa gây tội, tôi rất bất ngờ và đau xót..."- người mẹ thấp nhỏ, đen sạm bỏ lửng câu nói rồi lau vội nước mắt.
Ông Hảo, bố của Thanh và Hà thì buồn bã. Ông không muốn tiếp chuyện ai, trên tay cầm 2 chai nước lọc mang từ Bắc Giang xuống để đưa cho hai con. Thấy Thanh khăng khăng trước HĐXX vì cần tiền nên đi cướp và “bị cáo nghĩ sẽ không thể bị phát hiện”, ông chua xót lắc đầu. Được biết, năm 1989 khi ông cùng vợ (mẹ đẻ của Thanh) lên cửa khẩu ở Lạng Sơn làm cửu vạn được một thời gian thì vợ mất tích, Thanh cũng thiếu thốn tình cảm của mẹ từ đó.
Một thời gian sau, ông Hảo "đi thêm bước nữa" và sinh Tạ Hải Hà. Cũng từ đây Tạ Văn Thanh không ở nhà mà lên ở với bà nội. Khi bà nội mất, Thanh cũng không về ở cùng vợ chồng ông. “Vì tôi nghèo nên cũng không thể quan tâm lo lắng cho cháu được. Nay đây mai đó kiếm tiền nuôi thân, nhiều khi tôi gọi điện hỏi thăm cũng chỉ biết là nó đi làm thuê chứ cũng không biết lúc đó nó đang làm gì và ở đâu. Giờ chỉ mong pháp luật xem xét phần nào gia cảnh nhà tôi mà giảm nhẹ tội cho các cháu”- ông đau đớn nói.
Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Tạ Văn Thanh mức án tử hình, Tạ Hải Hà tù chung thân, Phí Văn Mạnh 7 năm tù giam; Bùi Hữu Khá 4 năm tù giam. Nghe xong mức án, bà Đương khóc nấc lên rồi ngã quỵ xuống.