Đường Trường Chinh (đoạn gần bảo tàng Binh chủng Phòng không), do đang trong quá trình hoàn thiện nên giải phân cách của đoạn đường này thường xuyên ngập trong rác. Tại đây, giải phân cách phải oằn mình hứng chịu các loại rác thải do những kẻ thiếu ý thức đổ trộm ra mỗi ngày. Từ đồ gỗ cũ, chiếu chăn, cho đến bồn cầu cũ, thậm chí là vật thải ra từ con người và vật nuôi…
Tại QL6 (dưới chân tuyến đường sắt trên cao) lâu nay cũng biến thành bãi rác. Ở đây tập hợp đủ chủng loại rác sinh hoạt, từ xỉ than tổ ong đến vỏ hoa quả, thức ăn thừa, bã mía… của các hàng nước, hết một ngày lại được ném ra.
Một tuyến đường vừa mới thông xe cách đây không lâu, cũng trở thành bãi rác bất đắc dĩ – đó là đường Vành đai 2 (từ Cầu Giấy đến cầu Nhật Tân). Các tuyến phố như Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), Đỗ Nhuận, Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm)… cũng chịu chung số phận.
Tại phố Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy), do bị đổ trộm rác quá nhiều, người dân ở đây đã có… sáng kiến treo biển: Nếu đổ trộm rác (mà bị bắt) sẽ bị phạt số tiền lên đến 3 triệu đồng. Đây chắc chắn là do bức xúc lâu ngày nên người dân mới phải làm cái việc cực chẳng đã mà thôi. Chẳng hiểu từ khi đặt biển, cư dân ở đây đã bắt được vụ nào hay chưa nhưng theo quan sát của chúng tôi, khu vực này vẫn thường xuyên xuất hiện những đống rác… vô chủ.
Các cụ xưa đã nói: “Nhà sạch thì mát/ Bát sạch ngon cơm”. Đây có thể được coi là câu nói kinh điển về bảo vệ môi trường của người dân xứ ta từ ngàn xưa vậy.
Trong thời đại ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động thì nhà nhà, người người ai cũng cố gắng để tổ ấm của mình được sạch sẽ, ngăn nắp. Tuy nhiên, không ít người chỉ vì sự sạch sẽ của gia đình mình mà tìm mọi cách tống khứ những thứ rác rưởi ra môi trường. Đây được xem là một cách “đổ vạ ra phố”.
Nghị định 155/2016 quy định: “Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 3 - 7 triệu đồng". Tuy nhiên mức phạt trên vẫn chưa đủ sức răn đe. Rác vẫn bị xả trộm ra môi trường. Đường phố vẫn là nơi… chịu vạ!