KTĐT - Việc thiếu quan tâm đến đăng ký sở hữu trí tuệ đã dẫn đến vụ khiếu kiện đầu tiên liên quan tới nhãn hiệu, tên gọi của một trường ĐH. Cùng với đó, các công trình nghiên cứu, giáo trình biên soạn riêng của các trường đang bị sao chép tràn lan mà không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi tác giả.
Nhiều ý kiến cho rằng nên lồng ghép vấn đề sở hữu trí tuệ vào nội dung học tập của sinh viên |
“Đổ vỏ” vì bị nhái nhãn hiệu
Một trong những hệ lụy đầu tiên dẫn tới phải khiếu nại về bản quyền đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là trường hợp phải “đổ vỏ” của trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng). Trường ĐH này vừa phải khiếu nại lên Cục SHTT về việc trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Đông Á mà trường đã đăng ký từ năm 2005.
Sở dĩ trường ĐH Đông Á phải lên tiếng là vì tháng 7-2010, trường ĐH Công nghệ Đông Á, thành lập năm 2008 phải tạm dừng tuyển sinh theo quyết định của Bộ GD-ĐT do vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục. Từ thông tin về vi phạm của trường ĐH Công nghệ Đông Á, nhiều phụ huynh, sinh viên của trường ĐH Đông Á đã tưởng là trường ĐH Đông Á bị xử lý, gây nghi ngờ đến uy tín và chất lượng của trường này.
Nguyên nhân của sự hiểu lầm này là do trường ĐH Công nghệ Đông Á sử dụng nhãn hiệu trùng với trường ĐH Đông Á. Đại diện của trường ĐH Đông Á cho biết có thể kiện trường ĐH Công nghệ Đông Á về hành vi vi phạm tên, nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ ở Cục SHTT Việt Nam.
Đây có thể coi là một lời cảnh tỉnh các trường ĐH trong nước khi mà công tác đăng ký SHTT của các trường hầu như không được quan tâm. Trong số gần 400 trường ĐH, CĐ trên cả nước hiện nay, mới có chưa tới 10 trường đăng ký để được sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ cho thấy việc quản lý nhãn hiệu, một trong các tài sản trí tuệ của trường ĐH chưa được coi trọng, nếu không muốn nói rằng đa số các trường ĐH đã không thấy được tầm quan trọng của dạng tài sản này.
Chính vì sự thiếu quan tâm này, mà một trường ĐH dân lập đã nhanh chân đăng ký sở hữu nhãn hiệu giống như tên của trường ĐH công lập Sài Gòn. Như vậy trong trường hợp có sự tranh chấp giữa hai trường này, thì phần thua có thể thuộc về trường ĐH công lập Sài Gòn.
Vô tư “copy” nghiên cứu
Ông Lê Song Toàn, trường ĐH Cảnh sát nhân dân phân tích, các trường ĐH là sử dụng nhiều đối tượng được bảo hộ quyền SHTT của người khác vì vậy cũng là nơi dễ dẫn đến xâm phạm quyền SHTT. Cụ thể có thể thấy rõ là tình trạng “đạo văn” trong hàng loạt các bài tiểu luận, khóa luận, luận văn, luận án hiện nay đang gây bức xúc trong xã hội khi hành vi này xảy ra tại các trường ĐH, nơi đào tạo các nhà trí thức, khoa học tương lai.
Ngoài hình thức đáng phê phán là sao chép toàn bộ các ý tưởng, số liệu và giải pháp của người khác thì còn một hình thức khác là việc dẫn các công trình, kết quả nghiên cứu của người khác trong đề tài của mình.
Đây là việc làm bình thường và cần có trong nghiên cứu khoa học, tuy nhiên khi trích dẫn người sử dụng phải nêu rõ nguồn, tác giả. Thế nhưng thực tế hầu hết sinh viên đại học và cả một bộ phận giảng viên không thực hiện các quy tắc này nên cứ “hồn nhiên” chép sách, báo, trích số liệu nhưng không dẫn nguồn. Ở đây cũng phải thấy nguyên nhân một phần là do sinh viên chưa có ý thức và kinh nghiệm về nguyên tắc trích dẫn nguồn tài liệu nhưng về phía cán bộ giảng dạy thì ngược lại, biết rõ nhưng vẫn không tuân thủ nguyên tắc này mà vẫn không bị xử lý.
Sở dĩ xảy ra tình trạng này chính là phần thiếu quan tâm của các trường tới đăng ký SHTT cũng như xây dựng ý thức thực hiện bản quyền tác giả đối với tư liệu, giáo trình của các học giả.
Được biết, trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng đã đề ra biện pháp đối phó với tình trạng này bằng cách không công nhận tốt nghiệp đối với những sinh viên được xác định sao chép đến 70% luận văn của người khác. Trường hợp này khi bị phát hiện sẽ phải thực tập lại và phải thi tốt nghiệp ở khóa học sau.
Đây là cách xử lý đúng, góp phần hạn chế nạn sao chép dẫn tới vi phạm bản quyền SHTT đồng thời gây nên tình trạng học giả, thi giả, không thực chất. Tuy nhiên, vì không phải trường hợp nào cũng bị phát hiện nên khó có thể nói là tình trạng vi phạm này được hạn chế đến đâu.
Theo ông Phan Quốc Nguyên, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, tình trạng xâm phạm bản quyền SHTT là do hầu hết các trường chưa chủ động, tích cực thực hiện công tác bảo vệ quyền SHTT, không có cơ quan chuyên trách theo dõi, tư vấn và hướng dẫn bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu cũng như phòng chống, xử lý các trường hợp vi phạm quyền SHTT.
Theo ông Phan Quốc Nguyên, ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội, tính đến tháng 4-2010 cũng chỉ mới nộp vào Cục SHTT có 3 đơn sáng chế thì cũng hoàn toàn chưa thấm thoát gì so với hoạt động đào tạo, nghiên cứu của cán bộ, nghiên cứu sinh của trường.
Cũng theo thống kê của Cục SHTT Việt Nam, tổng số bằng sáng chế còn hiệu lực do các trường, viện đăng ký chỉ vỏn vẹn ở con số 30 trên tổng số 244 đơn xin cấp bằng sách chế từ năm 2003 đến nay cho thấy sự chưa ý thức quan tâm đến vai trò của SHTT trong khối các trường ĐH, nơi tập trung số lượng lớn cán bộ và đề tài nghiên cứu.