Ngày 9/1, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức hội nghị quốc tế về gây mê hồi sức sản khoa và hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến 2023” với sự tham gia của đại diện đến từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, các chuyên gia Bệnh viện Brigham and Women’s, Đại học Y Harvard, các nhân viên y tế trong lĩnh vực sản khoa.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Mai Trọng Hưng cho biết, trong quá trình hội nhập toàn cầu về y tế và cách mạng 4.0, nghiên cứu khoa học là một trong những trụ cột cơ bản. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trang bị hệ thống những máy móc, thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể triển khai các nghiên cứu tại bệnh viện.
Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện gần 50.000 ca sinh đẻ. Là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế, nhiều năm qua, bệnh viện đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cao về sản khoa cho tuyến dưới, giúp phát hiện sớm các dị tật thai nhi chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán trước sinh, tầm soát sớm nguy cơ để tránh biến chứng trong quá trình thai kỳ.
Chia sẻ những kiến thức trong “Sinh thiết gai rau trong chẩn đoán trước sinh: Lợi ích và nguy cơ” TS Nguyễn Thị Sim - Giám đốc Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 2-3% trẻ sinh ra bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh; 240.000 tử vong chu sinh mỗi năm và 170.000 trẻ tử vong trong độ tuổi 1 tháng đến 5 tuổi.
Việc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh hiện chưa được nhiều cơ sở y tế triển khai vì đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm của kỹ thuật viên.
Đề cập đến vấn đề này, TS Trần Văn Cường - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện đã cấp cứu nhiều ca bệnh có những diễn biến bất thường trong quá trình sinh nở và đã cứu được tính mạng của hai mẹ con sản phụ ở Hà Nội. Đây là một ca bệnh tắc mạch ối được can thiệp thành công nhờ công tác gây mê hồi sức, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị.
Cụ thể, một sản phụ (29 tuổi, Hà Nội) có con lần đầu, có tiền sử đái tháo đường và được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong suốt quá trình thai kỳ. Ở tuần thai 40, sản phụ được làm các xét nghiệm cơ bản trước sinh bình thường, dự kiến khởi phát chuyển dạ đẻ bằng Propess ropess.
Bệnh nhân được giảm đau để thực hiện thủ thuật, bất ngờ trong quá trình chuyển dạ đột ngột mất ý thức, được tiến hành đặt nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản và đẩy thẳng phòng mổ trong 2 phút.
Bệnh nhân vừa được cấp cứu ngừng tuần hoàn, mổ lấy thai trong vòng 5 phút. Sản phụ hạ sinh trẻ 3,3kg được đưa sang Khoa Sơ sinh. Bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu, phẫu thuật bảo tồn tử cung.
Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn, theo dõi tắc mạch ối. Bệnh nhân được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị suy đa tạng. Đến nay, sản phụ đã bình phục. Đây là một trường hợp cấp cứu kỳ tích.
Từ trường hợp này, TS Trần Văn Cường nhấn mạnh, cấp cứu sản khoa là tối cấp và trường hợp trên đã may mắn được cứu sống kịp thời nhờ những quá trình theo dõi sát thai kỳ và xử trí kịp thời biến chứng thuyên tắc mạch ối trong lúc chuyển dạ.
Tử vong của phụ nữ khi đang mang thai đang là gánh nặng toàn cầu. Theo thống kê, có khoảng 287.000 phụ nữ tử vong trong và sau khi mang thai, sinh con vào năm 2020. Đáng chú ý là gần 95% số ca tử vong mẹ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Trung bình mỗi ngày trên thế giới có 830 phụ nữ tử vong từ những nguyên nhân có thể phòng ngừa được liên quan đến việc mang thai và sinh đẻ.
Nguyên nhân gây ra trình trạng này là do xuất huyết và tử vong gián tiếp (người mẹ có bệnh từ trước đó không liên quan đến thai kỳ) là nguyên nhân nhiều nhất.
Để có thể ngăn ngừa hoặc tránh cũng như kéo giảm tình trạng tử vong ở mẹ, nên xác định sớm những phụ nữ có nguy cơ cao, dự đoán nguy cơ mắc bệnh và tử vong mẹ, hỗ trợ và đưa ra quyết định về mức độ bệnh qua đó theo dõi và chăm sóc thích hợp…
Bác sĩ Jimin Kim - Bệnh viện Brigham và Woman, Đại học Y Harvard