Kinhtedothi - Sáng nay, ngày 1/11, Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số giỏi năm 2014 đã diễn ra long trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Chương trình do Ủy ban Dân tộc và Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, với sự phối hợp của Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Buổi lễ đã vinh danh 111 gương mặt học sinh tiêu biểu là người dân tộc thiểu số đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.
Ban tổ chức trao bằng khen cho các em học sinh. (Ảnh: TTXVN)
|
Để đạt thành tích học tập tốt, các em đã phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên. Em Hoàng Văn Chung (xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mẹ làm nương rẫy, không biết chữ, kinh tế thiếu thốn, nhiều khi em phải nhịn ăn tới trường, nhưng Chung luôn coi đó là động lực để học tập tốt hơn. Năm 2014, cậu học trò dân tộc Dao này đã đạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử, thi đỗ vào Học viện An ninh.
Em Vừ Mí Kỵ (Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang) phải đi bộ 5 cây số mới đến trường học. Em Diệp Như Quỳnh (dân tộc Sán Dìu, ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) thi đỗ trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên nhưng không có tiền thuê trọ nên ngày ngày phải đạp xe hơn 10 cây số để đi học. Những ngày đông giá rét, Quỳnh đến trường mà đôi tay tê buốt không cầm nổi bút, người run lên vì lạnh….
Trước những nỗ lực ấy của các em, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ biểu dương và chúc mừng các em đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập.
Phó Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức hoạt động này hàng năm.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tận tâm tận lực của các thầy cô giáo ngày đêm dạy dỗ các em, sự cố gắng lớn lao của các gia đình để các em có thể đến trường, học tập và đạt giải cao trong các kỳ thi vừa qua.
Cũng theo Phó Thủ tướng, dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học. Muốn có nguồn nhân lực tốt, muốn xóa đói giảm nghèo, muốn tiến lên ngang tầm thế giới thì việc học của lớp trẻ vô cùng quan trọng, nhất là với đồng bào vùng sâu vùng xa thì điều quyết định chính là nguồn nhân lực. Có nguồn nhân lực tốt mới thoát nghèo và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương thực hiện một số việc cần làm để phát triển hơn nữa giáo dục ở vùng khó khăn.
Thứ nhất là rà soát lại các chính sách về giáo đục dào tạo của vùng dân tộc thiểu số để phát huy, nhân rộng những mô hình tốt. Các gia đình khó khăn phải được hỗ trợ để các em có thể đi học, không để các em vì khó khăn mà học sinh không được đi học.
Thứ hai là Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm đến đội ngũ thầy cô giáo vùng sâu vùng xa vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Chính sách trợ cấp phải đảm bảo cuộc sống cũng như việc luân chuyển các thầy cô giáo.
Thứ ba là cơ sở vật chất trường học, điều kiện vị trí bản làng… còn khó khăn nhưng cấp ủy chính quyền địa phương cần coi đó là trách nhiệm quan trọng, coi đó là việc lâu dài để phát triển bền vững.
Sau lễ tuyên dương, chiều nay (1/11), các em học sinh, sinh viên vào Phủ Chủ tịch tiếp kiến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Đây là lần thứ 5 chương trình tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi được Ủy ban Dân tộc phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm động viên, khích lệ những tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát triển nhân tài cho đất nước.
Chương trình được sự tài trợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổng công ty phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi), Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty Cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công, Công ty Cổng phần Welcron Global Việt Nam, Công ty Cổ phần Kim &Kim (KIM &KIM Joint Stock Company), Vietnam Korea Times.