Thí sinh đang được tư vấn chọn ngành tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020, sáng 21/6. Ảnh: Thủy Trúc |
Phân loại ở vùng điểm cao
Chưa tới 7 giờ sáng ngày 21/6, nhưng tại khuôn viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội – nơi diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 đã chật kín học sinh lớp 12, phụ huynh đến tìm hiểu thông tin và đặt câu hỏi để được các chuyên gia tuyển sinh giải đáp kịp thời. Ngày hội có hai khu vực tư vấn chuyên sâu thu hút rất đông thí sinh và học sinh. Do sức nóng của kỳ thi tới đây nên đã có nhiều câu hỏi của thí sinh được gửi tới các chuyên gia.
Đề thi sẽ được ra thế nào, liệu có tình trạng mưa điểm 9, 10 các trường ĐH có khó tuyển sinh? Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh phản hồi: Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12. Đề thi bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19, không đánh đố. “Đề thi tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố là cơ sở để dạy học và ôn tập, chính là định hướng để đề thi tới đây. Đề thi bảo đảm có tính phân hóa rất cao học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình, yếu, và sẽ cố gắng để có độ phân hóa ở vùng điểm cao 9, 10” – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nhiều người bị mất việc làm nên các thí sinh đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp mang theo những nỗi băn khoăn. Không ít thí sinh cho biết đã điều chỉnh nguyện vọng (NV) so với dự định ban đầu, với hy vọng có đầu ra. Nguyễn Hoàng Minh – Học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ: Lúc đầu, em quan tâm đến ngành CNTT của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, em nghĩ nhiều đến những bài thuốc, vắcxin nên đã đăng ký ngành Hóa dược của trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, em Nguyễn Thị Minh Phương đến từ trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) đăng ký xét tuyển tới 20 ngành thuộc lĩnh vực Y, Công nghệ thực phẩm và Kinh tế của nhiều trường ĐH công và ngoài công lập, với hai tổ hợp B và D07.
Định hướng ngành không vì dịch Covid-19
Những trường ĐH top đầu với những ngành hot luôn được các thí sinh quan tâm và đặt câu hỏi về cơ hội việc làm, ví dụ như Kỹ thuật hạt nhân. Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho biết: Ngành Kỹ thuật điện hạt nhân trong đó có Năng lượng hạt nhân và Công nghệ vũ trụ là định hướng của Chính phủ, kén người vì đòi hỏi đào tạo những chuyên gia có chuyên sâu về vật lý, kỹ thuật hạt nhân nhưng cơ hội việc làm rất lớn.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú thông tin kỳ thi của trường khi bổ sung tiêu chí: Với tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, nhà trường mở rộng hơn các tiêu chí tuyển thẳng. Ví dụ, năm trước trường tuyển tổ hợp Toán – Hóa – Sinh thì năm nay mở rộng thêm tổ hợp khác, môn khác (Tin học, Vật lý, Tiếng Anh). Các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi quốc gia tham gia đội tuyển thi quốc tế sẽ được tuyển thẳng vào trường. Những thí sinh đạt giải thi quốc gia được cộng điểm tăng lên so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhà trường khống chế 25% chỉ tiêu tuyển thẳng; còn 75% dành cho các em tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có cơ hội xét tuyển vào trường một cách sòng phẳng và khách quan.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang điễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến việc làm, thay đổi công việc, ông Trương Thanh Tú - Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội khuyên các thí sinh yên tâm. Bởi định hướng ngành nghề là dài hơi, có thể học trong vòng 4 năm ĐH. Khi lựa chọn ngành, thí sinh nên theo sở trường thế mạnh về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội; đam mê, yêu thích và xu hướng ngành nghề của Việt Nam và thế giới. Những ngành nghề công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh, liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học...
Các thí sinh nên xếp thứ tự ưu tiên giữa năng lực, kết quả học tập của mình. Các em nên có niềm tin với kết quả học tập của mình, đừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà thay đổi những ngành không đúng thì rất phí. Nhất là khi cơ hội vào ĐH mở hết cho thí sinh vào hết các ngành của một trường và nhiều trường. Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải Nguyễn Thanh Chương |