Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT 2018 – 2019 tại Hà Nội: Căng thẳng cuộc đua vào trường công

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2017 - 2018, Hà Nội có gần 105.000 học sinh (HS) lớp 9 dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Trong khi theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 là gần 85.800 HS. Vì vậy, có một cuộc tăng tốc ngầm ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang diễn ra khá chóng mặt.

 Học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy trong giờ ôn tập. Ảnh: Chiến Công
Kín lịch học thêm 
Cùng với chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập, cũng sẽ có khoảng 8.500 HS được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số còn lại vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Như vậy, cuộc chạy đua để tìm được một suất vào trường công lập tốp đầu hay những trường ngoài công lập có thương hiệu, hẳn không dễ dàng, khi có gần 20.000 thí sinh sẽ không vào được hệ THPT.

Cuộc đua này khiến nhiều gia đình "ép" HS học thêm kín lịch. Chị Nguyễn Hương Trà - phụ huynh HS trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, mục tiêu của gia đình là con thi đỗ vào trường chuyên của Hà Nội, trong đó lựa chọn số một là THPT chuyên Hà Nội - Asmterdam. Vậy nên, dù rất mệt mỏi, nhưng gia đình và HS phải cố gắng tăng tốc luyện thi.

Không chỉ những phụ huynh có mục tiêu thi vào trường chuyên mới bắt con đi học thêm. “Con tôi không thi vào các trường top đầu nhưng để có thể vào được trường công lập top 2, tôi cũng xác định con phải được ít nhất 8 điểm môn Văn, 9 điểm môn Toán mới có khả năng trúng tuyển, vậy nên phải luyện thi mới yên tâm" - chị Mai Phương Anh - phụ huynh HS trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) tâm sự.

Theo nhiều phụ huynh, với tính cạnh tranh “khốc liệt” nhằm giành suất vào trường công, không có cách nào khác là HS phải tăng cường học thêm, luyện thêm cả 2 môn Văn và Toán.

Quan trọng là chọn trường phù hợp

Nhìn vào lịch học thêm gần như kín hết các buổi buổi tối trong tuần của HS lớp 9, nhiều thầy cô không khỏi lo lắng tới sức khỏe cũng như khả năng tiếp thu của HS vì không còn thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lực và tự ôn tập bài.

Bà Trần Hải Yến - Giám đốc điều hành trường THCS Alpha cho biết, năm nay, phụ huynh cho con đi học thêm quá nhiều, trong khi các em học 2 buổi/ngày ở trường và đã được tăng cường các môn Văn, Toán. “Có thể với một số trường chuyên thì thí sinh sẽ phải đáp ứng yêu cầu kiểm tra năng lực riêng của từng trường. Nhưng nếu chỉ thi vào trường công lập, trong kỳ tuyển sinh chung toàn TP thì việc học thêm quá nhiều sẽ lợi bất cập hại, thay vì tư duy, học sinh sẽ học vẹt. Điều này ảnh hưởng về lâu dài trong phương pháp học tập của các em" - bà Yến chia sẻ.

Bàn về việc giảm áp lực cho HS lớp 9 THCS năm nay, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phụ huynh cần nắm rõ năng lực của con mình để chọn trường phù hợp. “Nếu con học lực chỉ đạt loại khá nhưng cố ôn luyện, ép thi trường điểm chuẩn ở top cao, đến khi vào học, chính các em sẽ là người phải gánh chịu sức ép không đáng có. Hiện nay, Hà Nội có nhiều loại hình trường công lập, ngoài công lập, giáo dục chuyên nghiệp, theo tôi, phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn hợp lý, tránh tạo áp lực quá mức cho con mình” - ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ.
Năm học 2018 - 2019, Hà Nội vẫn áp dụng phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo công thức: Điểm xét tuyển = điểm THCS (kết quả học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS) + điểm thi 2 môn Văn, Toán (hệ số 2) + điểm cộng thêm. Kỳ thi vào lớp 10 THPT sẽ diễn ra ngày 7/6, buổi sáng thi môn Văn, buổi chiều thi môn Toán. Cả 2 môn đều thi theo hình thức tự luận.