Việc làm thế nào để giảm thiểu ùn tắc và nhất là tai nạn giao thông (TNGT) là câu hỏi vẫn chưa có lời giải cặn kẽ. Nổi lên trong đó là vấn nạn mà ai cũng có thể thấy hiện nay là tình trạng sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông. Thói quen khó bỏ Theo một số liệu thống kê năm 2013, người Việt Nam đã tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia, tương đương với lượng tiền phục vụ cho bia, rượu lên tới con số 3 tỷ USD. Đó là con số không đáng để vui mừng. Với rất nhiều trường hợp, bia, rượu là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Y học chứng mình rằng, khi say, con người sẽ không còn tỉnh táo, không đủ lý trí để xử lý các tình huống khi tham gia giao thông và từ đó rất dễ xảy ra tai nạn. Để điều khiển một phương tiện giao thông trên đường, người đó phải hoàn toàn tỉnh táo và tập trung, nhưng khi trong người có nồng độ cồn, cho dù nhỏ, cũng có thể làm người điều khiển phương tiện mắc phải sai lầm.
Những hậu quả do sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đã và đang là vấn đề đau đầu cho những người có trách nhiệm trong việc làm thế nào để giảm thiểu TNGT. Bởi, cái thú nhậu nhẹt đã ăn sâu vào máu của một bộ phận người dân, trở thành một thói quen khó bỏ. Với những người này, tuần nào, thậm chí ngày nào mà không có một vài cốc bia, chén rượu thì bứt rứt không yên. Giải bài toán hạn chế uống bia, rượu là vấn đề không dễ, thậm chí rất khó. Khó bởi nhiều lẽ, nhưng cái cốt lõi chính vì việc uống bia, rượu đã trở thành tập tục ở một số nơi. Trong những dịp lễ, tết, giỗ chạp, hay có sự kiện nào ở họ tộc thì không thể không có bia, rượu. Sau cuộc vui, người ta vẫn lái xe máy, ô tô đi về mà không quan tâm đến tính mạng của người khác và cả chính bản thân mình. Đẩy mạnh tuyên truyền Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó, một cơn say hay trạng thái không tỉnh táo của người điều khiển giao thông chủ yếu xuất phát từ những bữa nhậu, những cuộc vui bạn bè, họ hàng dịp lễ, tết. Vấn đề của việc uống bia, rượu quá nhiều, đến mức say rồi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông, thậm chí không phụ thuộc vào trình độ hiểu biết, bằng cấp của các thành viên tham gia cuộc nhậu. Trước tình trạng này, muốn giảm triệt để hay ít nhất là giảm thiểu được số vụ TNGT do sử dụng bia, rượu phải giải quyết từ cái gốc của vấn đề. Đó là phải bỏ, hay hạn chế ngay số bia, rượu được uống trong các cuộc vui và buồn. Làm được điều này cần có một tiếng nói có trọng lượng để các thành viên trong họ tộc nghe theo. Không ai khác, người trưởng họ và các bậc cao niên trong dòng họ phải đứng ra. Một mặt, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, thuyết phục những người đứng đầu các dòng họ ý thức hạn chế uống bia, rượu trong các cuộc vui họ tộc, và khi đã uống thì không lái xe. Mặt khác, những người trưởng họ phải tự ý thức được trách nhiệm của người đứng đầu một dòng họ là phải đặt sự an toàn của các thành viên họ tộc cũng như người khác lên hàng đầu. Bản thân người viết cũng đã không ít lần chứng kiến hiệu quả trong tiếng nói của những người có vai vế trong dòng họ ở các dịp gặp mặt, lễ, tết. Khi bắt đầu ăn uống, người chủ trì bữa ăn nhắc nhở con cháu của mình: "Ai đã uống rượu thì không được lái xe, nếu không có ai đưa về thì đi xe ôm hoặc taxi, tính mạng là trên hết!". Chỉ một câu nói nhưng có hiệu quả đến không ngờ, "phép vua thua lệ làng" là vậy. Trong công tác đảm bảo ATGT, chúng ta không nên chỉ sử dụng các phương pháp truyền thống, mà nên phát hiện và sử dụng các cách làm dân dã, nhưng rất hiệu quả. Vì thế, trong bất kỳ công tác nào, nhất là việc cần đến một sự thay đổi về ý thức người dân thì một sức mạnh, một "vũ khí" quan trọng mang đậm tính văn hóa như tuyên truyền thông qua các dòng họ là việc nên làm, và vận động để nhân rộng. Có vậy mới phát huy hết tiềm năng "sức mạnh văn hóa", góp phần giúp giao thông Hà Nội an toàn hơn, người Thủ đô có văn hóa giao thông hơn.
Đội CSGT số 4 Công an TP Hà Nội kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông để xác định nồng độ cồn. Ảnh An Huy. |
Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 12.827 vụ TNGT, làm chết 4.689 người, bị thương 12.263 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 2.003 vụ (-13,51%), giảm 224 người chết (-4,56%), giảm 2.743 người bị thương (-18,28%). Đáng chú ý, hơn 60% số vụ TNGT có liên quan đến bia, rượu. |