Trong khi đó, giới nghệ sỹ - những người có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhận thức của các em lại còn khá thờ ơ với vấn đề này.
Đùa với tử thần
Nhiều năm trở lại đây, đời sống kinh tế phát triển đã nâng cao đáng kể mức sống, mang đến nhiều điều kiện vật chất cho xã hội nói chung và tầng lớp thanh thiếu niên nói riêng, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội. Hiện nay, rất nhiều học sinh, sinh viên (HS, SV), thanh niên đã có phương tiện riêng để đi lại; đó có thể là xe máy hoặc xe đạp điện, hoặc ít nhất là xe đạp. Không chỉ là một lực lượng đáng kể góp phần gia tăng áp lực cho giao thông đô thị, thanh thiếu niên còn phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông bởi chính sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của mình. Những hiện tượng như: HS chưa đến tuổi đã sử dụng xe máy, mô tô; khi đi xe không đội mũ bảo hiểm; dàn hàng ngang trên đường gây cản trở giao thông... đã không còn là còn là cá biệt nữa. Không hiếm những vụ TNGT xảy ra mà lỗi là ở chính những người điều khiển phương tiện còn ở độ tuổi ngây thơ, non nớt này.
Mặt khác, nhiều thanh thiếu niên còn có thái độ ứng xử rất thiếu văn minh, lịch sự khi tham giao thông trên đường. Khi xảy ra va chạm, không ít em sẵn sàng văng tục, chửi bậy, có hành vi hỗn láo với người lớn tuổi. Trong độ tuổi trưởng thành, khi tâm lý, suy nghĩ của các em rất cần được giáo dục một cách kỹ càng, việc buông lỏng cho các em có những lời nói, hành vi không đúng mực sẽ còn ảnh hưởng đến cả nhân cách sau này. Nhiều em được gia đình chiều chuộng, khi vi phạm luật giao thông, bị lực lượng chức năng xử lý thì bố mẹ, gia đình lại tìm mọi cách để xin xỏ khiến các em càng coi thường pháp luật, tuỳ tiện, vô ý thức khi tham gia giao thông. Vô hình chung các em đang tự đẩy mình đến gần hơn với tử thần luôn rình rập, chờ đợi hiện hình trong những vụ TNGT thảm khốc.
Nghệ thuật vị nhân sinh
Thời gian qua, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho thanh thiếu niên đã được quan tâm hơn. Gia đình, nhà trường cũng đã có những động thái tích cực nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tự bảo vệ mình trước những rủi ro giao thông cho các em. Thế nhưng, các nghệ sỹ - những người có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ đến nhận thức, hành vi của thanh thiếu niên lại đang khá thờ ơ, tự đặt mình ra ngoài trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Những ca sỹ đang rất nổi tiếng và được giới trẻ ưa chuộng trong nước hiện nay như Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh... gần như không có một tiết mục, một ca khúc nào khơi gợi lên trong thanh thiếu niên ý thức, văn hoá giao thông. Thực tế đã chứng minh, nghệ thuật cao nhất là nghệ thuật vị nhân sinh, hướng tới sự bồi dưỡng, vun đắp nhân cách cho khán thính giả. Các nghệ sỹ hiện nay hầu như chỉ tập trung khai thác đề tài tình yêu hoặc đề cao, lý tưởng hoá những cảm xúc cá nhân mà bỏ bẵng một đề tài có vẻ rất khô khan nhưng lại cực kỳ quan trọng với người hâm mộ họ là ATGT. Nhìn theo hướng ngược lại, nếu những người hâm mộ, những khán giả trẻ tuổi của nghệ sỹ, ca sỹ, vì không tuân thủ luật giao thông, chẳng may gặp tai nạn, rủi ro, không hiểu các nghệ sỹ có cảm thấy mất mát không? Hay với họ, tính mạng, sức khoẻ, ý thức, nhân cách của các “fan cuồng” thực sự không đáng quan tâm tới? Rất nhiều bạn trẻ hiện nay mặc trang phục, để tóc, thậm chí làm những việc y hệt với nghệ sỹ mà họ yêu mến. Nghệ thuật và nghệ sỹ có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đó là vì họ có thể ảnh hưởng đến một nhóm nhân tố nhất định nào đó, hoặc nhiều hoặc ít. Mỗi ngày cả nước khoảng 30 người chết, hàng trăm người bị thương hoặc tật nguyền vĩnh viễn vì TNGT; trong số đó có cả những “fan” hâm mộ của các nghệ sỹ; những người mà nếu thiếu họ, nghệ sỹ cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vậy tại sao các nghệ sỹ không đáp lại sự yêu mến, tin tưởng đó bằng hành động thiết thực, kêu gọi nâng cao ý thức, văn hoá giao thông để bảo vệ chính người hâm mộ mình?
Đừng thờ ơ nữa
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức tham gia giao thông cho thanh thiếu niên đã được nhà trường và gia đình triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là không ít thanh thiếu niên vẫn chưa thể nâng cao ý thức của mình. Nếu quy tất cả trách nhiệm cho các em thì thật không công bằng, bởi cuộc sóng của các em không chỉ gói gọn trong vòng tay gia đình và nhà trường, nhiều hình thức tuyên truyền không phù hợp hoặc chưa thực sự chạm đến suy nghĩ của các em. Đơn cử như các chương trình văn nghệ mà nhà trường hoặc cộng đồng tổ chức để tuyên truyền ý thức giao thông cho các em, hầu hết đều là “cây nhà lá vườn” thiếu hẳn đi sự chuyên nghiệp và tính nghệ thuật đủ để khiến các em rung cảm. Nhưng thử hình dung theo một hướng khác, nếu các ca sỹ nổi tiếng đang được giới trẻ ưa chuộng, hâm mộ xuất hiện trong những buổi tuyên truyền đó hoặc gửi đi những thông điệp về ATGT, chắc chắn sẽ tác động rất tích cực đến giới trẻ.
Mỗi nhân tố của xã hội, dù là người bình thường hay nghệ sỹ đều có trách nhiệm chung với cộng đồng; thậm chí các nghệ sỹ lại càng phải có trách nhiệm cao hơn. Giờ là lúc các nghệ sỹ cần hướng tới khán giả, người hâm mộ bằng sự quan tâm chân thành, thiết thực để đáp lại những tình cảm họ đã được nhận. Các nghệ sỹ hãy tổ chức nhiều hơn nữa những chương trình nghệ thuật mang thông điệp kêu gọi nâng cao ý thức tham gia giao thông, kêu gọi người hâm mộ tự bảo vệ mình trước những rủi ro, TNGT. Giới nghệ sỹ hãy tự mình, bớt chút thời gian, để tìm gặp các nạn nhân của TNGT và gia đình họ để hiểu hơn nữa hậu quả khủng khiếp của việc thiếu văn hoá giao thông. Có mục sở thị hậu quả đó, các nghệ sỹ mới hiểu tầm quan trọng của việc tuyên truyền ý thức giao thông trong xã hội, đặc biệt là thanh thiếu niên.