Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIP), từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, ngay sau đợt cao điểm tháng 4/2015, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (tăng từ 36% vào tháng 3/2014 lên tới 68% vào tháng 4/2015).
Cụ thể, từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em tăng 11% (từ 36% lên tới 47%), nhưng vào thời điểm cuối kỳ, tỷ lệ này giảm đáng kể so với thời gian diễn ra đợt cao điểm (giảm từ 68% xuống còn 47%).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Ngoài ra, kết quả tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát đã nhắc nhở đối với 31.754 trường hợp, lập biên bản xử phạt 11.857 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 319 xe môtô, xe máy điện.
Theo đại diện lực lượng cảnh sát giao thông, việc triển khai Kế hoạch cũng đã góp phần tích cực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông liên quan tới đối tượng là trẻ em. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em (từ 6-11 tuổi) giảm 39,4% về số vụ, giảm 37,5% số người chết và giảm 31,25% số người bị thương.
Đánh giá sau một năm triển khai Kế hoạch hành động “Thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em”, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, tỷ lệ chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở các địa phương đều tăng lên tuy nhiên vẫn ở mức thấp và tỷ lệ không được duy trì ổn định.
“So với giai đoạn đầu của Kế hoạch khi triển khai đợt cao điểm nhắc nhở, xử lý vi phạm thì đến giai đoạn sau tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em lại giảm xuống. Điều đó chứng tỏ rằng vai trò việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở của nhà trường và việc thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trong công tác xử phạt vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông là hết sức quan trọng” – ông Hùng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng khẳng định, qua một năm triển khai thực hiện đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm dành cho đối tượng này đã tăng lên đáng kể, bước đầu tạo được chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành của phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em vẫn ở mức thấp và không được duy trì ổn định. Một số đại biểu kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên đưa việc thực hiện đội mũ bảo hiểm vào tiêu chí đánh giá thi đua; tăng cường trách nhiệm đối với lãnh đạo trường học; hỗ trợ kinh phí cho các ngành thực hiện…