Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 18.660.448 ca, trong đó có 702.481 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 11.883.593 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 65.731 ca và 6.074.374 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 4/8, thế giới có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Châu Mỹ hiện là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico... Top10 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong ngày thì châu Mỹ đóng góp tới 6 nước.
Nhật Bản để ngỏ khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/8, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch lây lan. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu số ca nhiễm tăng nhanh dù đã thực hiện các biện pháp này, thì chính phủ có thể lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Trước đó, tỉnh Okinawa đã tự tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tỉnh Mie và Gifu cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự. Trong khi, số lượng các tỉnh kêu gọi người dân tự kiềm chế, các doanh nghiệp rút ngắn giờ làm ngày một tăng.
Theo Bộ trưởng Kato, chính phủ sẽ có quyết định toàn diện về trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi xem xét nhiều yếu tố và tham khảo ý kiến chuyên gia.
Ông Kato cũng cho biết chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng lây nhiễm và cung cấp hỗ trợ, bao gồm hệ thống xét nghiệm được cải tiến, nếu cần thiết.
Tính đến hết ngày 4/8, Nhật Bản báo cáo thêm 1.239 ca nhiễm Covid-19 mới. Cả nước có tổng cộng hơn 41.000 ca nhiễm bệnh, trong đó 1.035 trường hợp tử vong. Tokyo tiếp tục là ổ dịch lớn nhất với 309 ca nhiễm mới, số người nhiễm bệnh chiếm hơn 1/3 của cả nước.
Tỷ lệ người trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng gấp 3
Những người trẻ tuổi hay đến các hộp đêm và bãi biển đang dẫn đến sự gia tăng số ca COVID-19 mới trên khắp thế giới. Tỷ lệ những người từ 15 đến 24 tuổi bị bệnh tăng gấp 3 lần trong khoảng 5 tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Một phân tích của WHO về 6 triệu ca bệnh từ 24/2 đến 12/7 cho thấy tỷ lệ người từ 15-24 tuổi tăng từ 4,5% lên 15%.
Ngoài Mỹ dẫn đầu tổng số toàn cầu với 4,8 triệu ca bệnh, các nước châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Đức và Pháp và các nước châu Á như Nhật Bản, cũng cho thấy nhiều người mới mắc bệnh là những người trẻ tuổi.
“Chúng tôi đã cảnh báo việc này và chúng tôi tái khẳng định rằng những người trẻ tuổi không phải là bất khả chiến bại với dịch bệnh Covid-19” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva tuần trước.
"Những người trẻ tuổi có xu hướng ít cảnh giác hơn về việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội", Neysa Ernst, y tá trưởng tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland nói với Reuters.
Ngày 4/8, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đối mặt với "thảm họa thế hệ" do các trường học phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh việc học sinh được trở lại trường học an toàn phải là "ưu tiên hàng đầu".
Tổng thư ký Guterres cho biết, tính đến giữa tháng 7 vừa qua, khoảng 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh và ít nhất 40 triệu trẻ em bị nhỡ khóa học mầm non. Trước khi đại dịch bùng phát, trên thế giới đã có hơn 250 triệu trẻ em không được đến trường và chỉ 25% số học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản./.