Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày.

Việc lạm dụng đồ uống có cồn cũng là nguy cơ chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Rượu, bia và tai nạn giao thông

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Takeshi Kasai cho biết, theo thống kê của WHO, việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt là ở nam giới. Ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, rượu gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe.

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%; làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh, gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. 70% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18-24 giờ.

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục.

Việc sử dụng rượu, bia ở môi trường công cộng, đông người thường có xu hướng làm cho người sử dụng gia tăng lượng uống rượu, bia, dễ dẫn đến lạm dụng, say rượu, bia…

Cần nhiều giải pháp quyết liệt

“Thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện chưa tuân thủ quy định về nồng độ cồn, vẫn lái xe sau khi đã uống rượu, bia và gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Qua phân tích tai nạn giao thông, uống rượu, bia vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông tại Việt Nam và cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này,” ông Nguyễn Trọng Thái cho biết.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, bên cạnh tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia, cần tuyên truyền sâu, rộng tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và an toàn giao thông; nguy cơ gây tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia; hậu quả tai nạn giao thông mà nguyên nhân từ rượu, bia; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn.

Ông Thái cũng đề nghị, thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân viên gương mẫu không uống rượu, bia trước khi lái xe; đồng thời, ban hành quy định của cơ quan, đơn vị về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

"Cần ban hành quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông," ông Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải đưa các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm dừng nghỉ không bán rượu, bia cho người lái xe; giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu, bia và đồ uống có cồn khác không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường; thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi...