“Trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể”, báo cáo cho biết.
Tăng trưởng GDP năm nay sẽ xuống còn 6%, do hạn hán nặng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và khai khoáng. Tuy nhiên, tốc độ này sẽ phục hồi lên 6,3% năm 2017, nhờ nhu cầu tiêu dùng và tín dụng tăng. Xuất khẩu cũng sẽ tăng theo nhờ các hiệp định thương mại tự do gần đây. Dù mức 6,0% năm 2016 thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra, nhưng các chuyên gia của định chế này nhận định tăng trưởng của Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu lại các tác động bên ngoài và triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa.
“Dù có sự suy giảm của ngành nông nghiệp và khai khoáng, “kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,0% hoặc cao hơn trong năm nay”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt nhận định thêm.
Ông Sebastian Eckardt cũng nhấn mạnh rằng cần chú trọng tới sự bền vững và chất lượng tăng trưởng, hơn là chạy theo mục tiêu bằng các biện pháp không lâu bền.
Nhận xét thêm về tình hình nợ công, kinh tế gia Eckardt khẳng định nợ công của Việt Nam có thể tiến sát mức trần 65% trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm lại trong năm nay, nhưng sẽ không vượt ngưỡng do Quốc hội đặt ra.
Điều cần quan tâm là thâm hụt ngân sách vẫn kéo dài trong nhiều năm qua. Trong các văn bản, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định kiềm chế thâm hụt tài khóa để đưa nợ công về mức ổn định và giảm dần trong trung hạn. “Trong mọi trường hợp, chúng tôi nhận thấy Chính phủ cần giải quyết các mất cân đối ngân sách để làm sao nợ công duy trì ở mức ổn định trong trung hạn”, ông Eckardt nhấn mạnh.
“Chúng tôi không quá chú trọng đến con số 65% GDP bởi dẫu sao đó cũng chỉ là một ngưỡng tham khảo để đánh giá nợ công. Điều quan trọng hơn là tập trung vào diễn biến của thâm hụt ngân sách và đề ra các chính sách để giảm mức thâm hụt này”, đại diện WB khuyến nghị.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương cũng dự báo GDP toàn khu vực tăng 6,4% năm nay và 6,2% năm tới. Trước đó, dự báo hồi tháng 4 của họ lần lượt là 6,3% và 6,2%. WB giữ nguyên dự báo cho Trung Quốc năm nay và năm tới tại 6,7% và 6,5%. Tuy nhiên, họ lại hạ tốc độ năm 2018 xuống 6,3%. Trong nhóm nước Đông Nam Á, Philippines được dự báo tăng 6,4% năm nay. Còn tại Indonesia, tốc độ này sẽ tăng dần đều, từ 4,8% năm 2015 lên 5,5% năm 2018, nhờ đầu tư công và các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Malaysia chỉ tăng trưởng 4,2% năm 2016, giảm so với 5% năm ngoái, do nhu cầu dầu toàn cầu yếu.
Báo cáo nhận xét khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng lớn. Vì thế, các quốc gia cần có biện pháp giảm tổn thương về tài chính. Còn trong dài hạn, báo cáo khuyến nghị các nước giải quyết những thách thức về tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó có thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ thiếu dinh dưỡng và cải thiện tài chính.
Nhận định việc Anh rời EU, tổ chức này cho rằng, sẽ không có tác động lớn lên khu vực này trong ngắn hạn, do quan hệ thương mại, tài chính với Anh không lớn. Anh chỉ đóng góp chưa đầy 2% tổng xuất khẩu của hầu hết các quốc gia tại Đông Á - Thái Bình Dương và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này.