Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy lên mức kỷ lục trong tháng 2

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phóng viên TTXVN tại Italy trích dẫn báo cáo mới nhất của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên 13% trong tháng Hai vừa qua, mức cao nhất kể từ khi ISTAT bắt đầu thu thập các số liệu thống kê về tình trạng này vào năm 1977.

Những con số của ISTAT đã cho thấy chiều hướng đáng ngại ở Italy trong hoàn cảnh cuộc khung hoảng kinh tế dài nhất kể từ sau Thế chiến II chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và còn có thể kéo dài nếu như các chính sách cải cách kinh tế và việc làm của chính phủ không có hiệu quả. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0,9% và so với tháng Một năm nay, tỷ lệ người không có việc làm đã tăng 0,2%.

Trong khối các nước EU, tỷ lệ thất nghiệp của Italy chỉ đứng sau Hy Lạp và Cyprus, các quốc gia vẫn đang chìm trong suy thoái và cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trung bình của khối (11,9%). Trong khi đó, tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động ở Italy hiện dừng ở mức 55,2%, thấp nhất kể từ quý 1/2000 và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ISTAT, trong một năm qua, đã có thêm 365.000 người mất việc làm, khiến cho số người thất nghiệp ở Italy hiện tại đã lên mức 3,3 triệu người, càng làm tăng áp lực lên một nền kinh tế khủng hoảng và một hệ thống phúc lợi xã hội bị cắt giảm ngân sách và tác động nghiêm trọng đối với các cá nhân không có đảm bảo về mặt tài chính, nhất là thanh niên.

Thống kê của ISTAT cho thấy, tỷ lệ thanh niên tuổi từ 15-24 đang đi học hoặc có việc làm đã xuống còn 15,4%, giảm 0,2% so với tháng Một năm nay và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi lên nắm quyền vào cuối tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Matteo Renzi tuyên bố rằng, ưu tiên hàng đầu của chính phủ là giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động bằng những cải cách trên lĩnh vực này; đồng thời tìm cách thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế để cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người dân.

Cải cách việc làm mà chính phủ đề xuất thực hiện nhắm vào việc đơn giản hóa thị trường lao động, giảm các thủ tục rườm ra khi ký hợp đồng và gia tăng quyền lợi cho người lao động bằng các hợp đồng dài hạn và có tính bảo đảm cao hơn, nhất là cho thanh niên.

Cuộc suy thoái kinh tế ở Italy trên thực tế đã kết thúc vào cuối năm ngoái, khi lần đầu tiên sau nhiều quý, tăng trưởng GDP không còn ở mức âm; tuy nhiên, phục hồi kinh tế ở Italy còn yếu và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, trở thành một cản trở cho việc vượt qua khủng hoảng.