Phát triển từ những gì sẵn có
Ông Mai Hữu Tài sinh năm 1966 tại Long An. Ông vốn là một kỹ sư ngành lâm nghiệp. Trước khi bắt tay thực hiện dự án du lịch cộng đồng, ông Tài lập nghiệp ở ngành xây dựng trong 20 năm và khá thành công trong ngành này. Tuy nhiên, năm 2017, ông có quyết định táo bạo khi thực hiện dự án DICHOBIET – một dự án về du lịch cộng đồng.
Chia sẻ về lý do quyết định khởi nghiệp ở một lĩnh vực mới mẻ với bản thân khi đã ở độ tuổi ngũ tuần, ông Tài thổ lộ: Tôi say mê các thắng cảnh của Việt Nam, cùng những nét đẹp truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, sự khai thác đến hao mòn thiên nhiên và việc đánh mất bản sắc văn hóa đã làm tôi day dứt, trăn trở về những vẻ đẹp không còn nguyên vẹn của Việt Nam. Từ đó, tôi có mong muốn phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương xa xôi. Thông qua nền tảng công nghệ 4.0, mọi người khắp các địa phương đều có thể mời du khách đến thăm vùng quê của mình bằng việc cung cấp chỗ lưu trú, giới thiệu cảnh quan và bản sắc văn hóa như ẩm thực phong tục tập quán, sinh kế, làng nghề, lễ hội, kiến trúc, lịch sử...
Với ý nghĩa nhân văn vì cộng đồng, DICHOBIET.VN đã nhận được giải thưởng “cống hiến vì cộng đồng” trong cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch TP Hồ Chí Minh (Hist 2018). Ngoài ra, Tour du lịch trải nghiệm “Thiềng Liềng - chốn Bình Yên - 2N1Đ” đã vào chung kết cuộc thi “Thiết kế Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp” lần 1 năm 2019. |
Để hiện thực ước mơ của mình, ông Tài chọn ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, nằm ở phía Đông Nam TP Hồ Chí Minh) xây dựng hệ sinh thái du lịch cộng đồng. Đây là một ấp đảo nhỏ chỉ với 13.000 hecta và 200 hộ dân, có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, bình dị cùng với không gian tĩnh mịch, những ruộng muối trải dài mọi cung đường khiến nơi đây càng thêm thơ mộng.
Theo ông Tài, du khách ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường trong các hoạt động dịch vụ, vì thế DICHOBIET đã tận dụng những gì sẵn có ở các địa phương. Dự án xây dựng một cộng đồng tại địa phương, nơi mà người dân được trở thành hướng dẫn viên cho du khách, nhà ở của họ cũng sẽ là nơi lưu trú cho du khách. Du khách được ăn uống được sống như cách người dân vẫn sống để hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của địa phương.
Trung hòa lợi ích để làm du lịch bền vững
Theo CEO DICHOBIET, phát triển du lịch trong tổng hòa mối quan hệ với môi trường, văn hóa, xã hội là vấn đề đặt ra ở bất cứ đâu. Chính vì vậy, các mô hình phát triển du lịch bền vững đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng địa phương và của khối DN. Du lịch bền vững không chỉ giải quyết được mối quan hệ giữa 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường mà còn tiếp tục duy trì những giá trị vật chất và tinh thần từ hoạt động du lịch.
Do đó, DICHOBIET luôn đề cao việc thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ bảo vệ di sản văn hóa, bản sắc truyền thống. Mô hình kết hợp này có thể giúp người dân giữ vững nghề truyền thống của địa phương để làm du lịch, tránh chạy theo các xu hướng du lịch đề cao lợi nhuận mà bỏ quên đi bản sắc. Vấn đề nan giải về môi trường cũng được giải quyết khi mọi thứ được tổ chức để du khách được hòa mình vào những gì gần gũi nhất, thân thiện nhất. “Sự trung hòa trong phát triển bền vững giữa kinh tế, trải nghiệm, văn hóa và môi trường này được đánh giá rất cao và là một trong những lựa chọn hàng đầu về du lịch trong tương lai” – ông Tài nhận định.
CEO DICHOBIET chia sẻ thêm, trong mô hình mới này, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng, là phương tiện liên lạc giữa các bên. Nhưng chung quy, đây cũng chỉ là công cụ. Nòng cốt của công ty vẫn dùng tình cảm và tâm hồn của người dân và du khách làm phương tiện kết nối chính trong suốt những cuộc hành trình.
Cùng với đội ngũ của mình là những người trẻ cũng có niềm đam mê du lịch trải nghiệm và dành nhiều tâm sức trong các hoạt động phát triển cộng đồng, mô hình startup của ông Mai Hữu Tài đã đem lại những trải nghiệm chân thật nhất cho du khách, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương, phát triển du lịch bền vững.