Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Uber/GrabTaxi bị kiến nghị ngừng hoạt động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai loại hình dịch vụ này bị cho là đã có hành vi cạnh tranh không công bằng đối với taxi truyền thống.

Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội (HTA) vừa chính thức gửi bản kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và các đơn vị chức năng về việc tạm dừng hoạt động của Uber và GrabTaxi không có phù hiệu, tem mào nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách taxi truyền thống.

Lý do được HTA đưa ra là Uber và GrabTaxi đang tham gia hoạt động vận chuyển hành khách nhưng lại sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tới hiện tại, số lượng xe sử dụng Uber/GrabTaxi đã lên tới 3.000 phương tiện nhưng lại không chịu sự quản lý của Nhà nước như taxi truyền thống. Không những thế, những dịch vụ này có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật Giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng.

HTA cũng đưa ra dẫn chứng, trên website của GrabTaxi, hãng này ghi rõ họ không có trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý nào đối với các hành vi và sai sót của bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào đang cung cấp cho khách hàng thông qua ứng dụng của mình. Vì vậy chất lượng dịch vụ của GrabTaxi cũng như quyền lợi của khách hàng là không minh bạch.

Từ những lý do chính trên, HTA đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về hoạt động của Uber/GrabTaxi. Trong thời gian đợi văn bản này có hiệu lực, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, cần tạm ngừng hoạt động của Uber/GrabTaxi không có phù hiệu, tem mào tại Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai đề án "Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của GrabTaxi Việt Nam. Đề án này sẽ được thí điểm trong vòng 2 năm tại các thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.

Mục tiêu của đề án là đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.