Quyết định bất ngờ Chẳng những từ chối cơ hội xích lại gần hơn với Lục địa già, Ukraine còn khẳng định sẽ làm sống lại các cuộc đối thoại với Nga. Khi đưa ra quyết định này, dường như Tổng thống Viktor Yanukovich đã nhận thức rất rõ Ukraine có thể mất hàng tỷ Euro vốn đầu tư từ EU. Và đúng như dự đoán, quyết định gây sốc trên của đảng cầm quyền đã khiến những người Ukraine có tư tưởng thân châu Âu tức giận. Hôm 24/11, ít nhất 10 vạn người đã tham gia cuộc biểu tình lớn nhất tại Kiev trong vòng 9 năm qua để cổ vũ việc gia nhập EU. Bạo động giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra, thậm chí, người biểu tình còn cắm trại tại quảng trường trung tâm của Kiev và khẳng định sẽ không rời khỏi nơi này trước 29/11 - thời điểm lẽ ra sẽ diễn ra lễ ký thỏa thuận với EU. Để xoa dịu dân chúng, hôm 25/11, ông Yanukovich đã nhấn mạnh, tuy tạm ngưng kế hoạch ký Hiệp định thương mại với EU nhưng sẽ mang "tiêu chuẩn châu Âu" tới nước này. Giữa lúc đó, tuyên bố "tuyệt thực vô hạn" để phản đối quyết định của đảng cầm quyền do nhà lãnh đạo đối lập đang bị cầm tù Yulia Tymoshenko đưa ra đã "đổ thêm dầu vào lửa", đe dọa sẽ đẩy Ukraine rơi vào một giai đoạn bất ổn mới. Thắng lợi lớn của Nga Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine đứng trước vòng xoáy của khủng hoảng chính trị. Suốt hơn 20 năm qua, bầu không khí của Ukraine vẫn bị bao trùm bởi mối bất hòa giữa các chính trị có quan điểm đối lập nhau, hoặc trở thành đối tác với phương Tây hoặc quay lại với đồng minh Moscow. Vì thế, các nhà quan sát nhận định rằng, động thái này của Kiev dù là nhằm mục đích gì đi chăng nữa cũng là một thắng lợi về đối ngoại của Tổng thống Nga V.Putin. Nhờ sự lớn mạnh về kinh tế, vị thế chính trị của Nga trong khu vực đã được củng cố, buộc những nước từng quay lưng lại với Moscow phải tìm cách khôi phục mối quan hệ. Trước Ukraine, nước đầu tiên quay lại với Nga là Armenia. Tháng 9/2013, quyết định gia nhập Liên minh Hải quan Âu - Á do Moscow đứng đầu của Armenia đã khiến EU đi từ bất ngờ chuyển sang thất vọng. Toan tính khôn ngoanTại Kiev, dù biết rõ sẽ phải trả một cái giá rất đắt khi từ chối kết thân với EU nhưng trong bối cảnh Ukraine sắp tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2015, đây được coi là toan tính khôn ngoan của ông Yanukovich. Với số nợ phải trả trong năm 2014 là hơn 17 tỷ USD, Kiev đã thăm dò khả năng vay mượn từ EU nhưng lại vấp phải yêu cầu tăng giá gas nội địa, cho phép phá giá đồng hryvnia nên giới chức Ukraine nhận ra rằng, mối quan hệ với EU chưa mang lợi ích trước mắt. Trong khi đó, việc từ chối cơ hội trở thành sân sau của EU trong quá trình Đông tiến nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của Nga sẽ giúp Kiev có thêm nhiều lợi thế trong quan hệ thương mại với Moscow như được mua khí đốt với giá rẻ hơn, được nợ lâu hơn và hàng hóa có thể thâm nhập vào thị trường rộng lớn của Nga.