Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

UNESCO vinh danh danh nhân Chu Văn An

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Giám đốc Trung tâm Khoa học văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu: Kết quả sau 2 năm dày công chuẩn bị hồ sơ, tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá công trạng của danh nhân, thầy giáo Chu Văn An, ngày 16/4/2019, hầu hết các nước thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO đã đồng thuận cao để thông qua Nghị quyết kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An do Việt Nam đề cử.

Tại khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris (Pháp), hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An cùng với 48 hồ sơ khác được thông qua. 48 hồ sơ thông qua trong khóa họp này được lựa chọn từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử. Hồ sơ của Việt Nam nhận được sự nhất trí cao của các nước thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO. Ngoài ra, đại diện Thái Lan và Hàn Quốc dù không có mặt tại cuộc họp nhưng cũng gửi thư khuyến nghị ủng hộ Việt Nam.
 Tượng danh nhân, thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Các hồ sơ đề cử theo tiêu chí do tổ chức UNESCO đề ra, trong đó đáng chú ý là phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.
Chu Văn An (1292 - 1370) được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã đúc kết, đề xuất: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người.
UNESCO đã từng vinh danh các danh nhân kiệt xuất của Việt Nam trước đây nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015). Việc UNESCO cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người và tinh thần học tập suốt đời mà UNESCO đang thúc đẩy.