Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng CNTT vào dịch vụ vận tải cần khung pháp lý rõ ràng, bình đẳng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân đón taxi trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng

Vừa qua, Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đã đề xuất với Bộ GTVT, trình Chính phủ cho thí điểm thực hiện Ðề án: “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (HÐ)”, kế hoạch này đang làm dấy lên nhiều tranh luận trái chiều.

Ðề xuất quên phần “trách nhiệm”

Trước tiên, GrabTaxi Việt Nam tự nhận là một công ty công nghệ, chỉ cung cấp ứng dụng để kết nối khách hàng với các DN vận tải chứ không cung cấp dịch vụ vận tải. Thế nhưng, cho đến nay, việc định danh Grab là DN công nghệ hay vận tải vẫn khá mập mờ và chưa có câu trả lời thực sự làm thỏa mãn dư luận. Mới đây, Grab lại đưa xe “dù” vào kinh doanh dịch vụ taxi, hỗ trợ mạnh mẽ cho các taxi trái phép này cạnh tranh, gây thiệt hại lớn cho DN taxi truyền thống. Bởi vậy, các DN tỏ ra nghi ngờ và phản đối quyết liệt việc Bộ GTVT trình đề xuất nêu trên của Grab lên Chính phủ, đề nghị cho thực hiện thí điểm. Đại diện một hãng taxi tại Hà Nội cho biết, việc Grab xin lắp đặt ứng dụng trên các xe dưới 9 chỗ, được cấp phù hiệu HĐ sẽ giúp Grab hợp thức hóa đội ngũ xe “dù” của mình; hoặc nếu không Grab cũng xe tuyển mộ xe “dù” chạy HĐ giống như trong lĩnh vực taxi mà thôi.
 
Người dân đón taxi trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.     Ảnh: Công Hùng
Kinhtedothi - Người dân đón taxi trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng
Đề xuất của GrabTaxi trang bị hệ thống ứng dụng gọi xe HĐ có thể nói gọn lại là: Sử dụng thao tác bấm nút điện tử để thay thế việc ký kết HĐ giữa 2 bên. Với mô hình này, Grab sẽ dùng các thông tin: lộ trình, điểm đi, điểm đến… ngay trên phần mềm của mình làm dữ liệu HĐ thay thế cho các HĐ bằng văn bản, đáp ứng yêu cầu của quy định. Tuy nhiên, vấn đề ẩn giấu sâu nhất trong hình thức giao kết có vẻ như đơn giản hóa và tiến bộ này là: Trách nhiệm đối với khách hàng. Grab tuyên bố từ chối mọi trách nhiệm pháp lý liên quan nếu có rủi ro xảy ra trong các HĐ giao kết mà họ thực hiện với vai trò tổ chức. Giả sử khách hàng thuê xe HĐ qua Grab, xảy ra TNGT hay các rủi ro khác, Grab không chịu trách nhiệm, nhà xe có chịu trách nhiệm không? Giả sử một chiếc xe HĐ do Grab cung cấp đưa khách đi sai lộ trình mong muốn, thu cước cao hơn, đón trả không đúng điểm thỏa thuận, Grab có dám chịu trách nhiệm và sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật? Sẽ có biện pháp thiết thực gì để bảo vệ khách hàng? Những khía cạnh này liệu đã được tính đến trong đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ?

Dù cần cũng không thể dễ dãi

Trên thực tế, hiện các DN vận tải hành khách (VTHK) nội địa cũng đang ráo riết phát triển ứng dụng gọi xe riêng của mình. Cụ thể, Vinasun đã chính thức ra mắt ứng dụng Vinasun App tại Đà Nẵng; Mai Linh cũng đang tiến hành thử nghiệm ứng dụng Open99; đại diện khu vực Đông Bắc bộ của một hãng taxi khác (xin giấu tên) đã tiết lộ DN đang lắp đặt và thí điểm ứng dụng gọi xe cho hơn 3.000 xe trên toàn miền Bắc, với mục đích cạnh tranh với dịch vụ Uber và GrabTaxi hiện nay. Thực tế này cho thấy, các DN nội địa đã không thể tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cơ quan quản lý đưa hoạt động của Grab hay các phần mềm tương tự vào khuôn khổ luật định để quản lý một cách minh bạch và hữu hiệu. Việc phát triển phần mềm riêng vừa là phương thức tự vệ, nhằm níu giữ thị trường, vừa cho thấy nhu cầu và xu hướng tồn tại, phát triển tất yếu của DN VTHK. Vấn đề nằm ở chỗ trong khi chưa có khung pháp lý rõ ràng và công bằng cho DN thì Bộ GTVT đã tiếp nhận và trình đề xuất của GrabTaxi lên Chính phủ; động thái này khiến DN nội địa gần như không kịp trở tay.

Thực tế, không phải DN nội địa không đủ sức hay không muốn áp dụng KHCN vào việc kinh doanh VTHK mà họ đang chờ các cơ chế, chính sách cụ thể ra đời để thực hiện; việc không có hướng dẫn, không có chuẩn mực pháp lý rõ ràng khiến họ e ngại. Trong khi đó, Bộ GTVT, dù thiếu cơ sở pháp lý cụ thể để quản lý loại hình giao kết dịch vụ vận tải này, liệu có quá vội vàng khi đồng thuận để một công ty đang sử dụng xe “dù” để đánh chiếm thị trường như GrabTaxi thực hiện?

 
"Việc thí điểm ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý dịch vụ vận tải nên được áp dụng cho tất cả các DN chứ không chỉ riêng GrabTaxi. Đồng thời cần có một quy trình quản lý công khai để quản lý và đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm trong các HĐ VTHK của cả DN kết nối, DN vận tải lẫn hành khách. "- Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội