Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh: Đòn bẩy cho y tế tuyến dưới

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhờ việc đưa kỹ thuật cao về bệnh viện (BV) tuyến dưới, nhiều người dân mắc trọng bệnh được hưởng lợi ngay từ tuyến cơ sở, góp phần giảm tải tuyến trên… Đây là điểm nổi bật của ngành Y tế Thủ đô.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sử dụng robot trong phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống. Ảnh: Thiện Tâm
Ứng dụng robot trong phẫu thuật
Tuy mới 43 tuổi, anh Ngô Văn Đ. (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) đã bị lao cột sống, khiến anh bị biến dạng cột sống, gù nặng, dính liền hai thân đốt sống. Anh Đ. may mắn được hưởng thụ kỹ thuật cao khi BV Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) triển khai phẫu thuật bằng robot.
Ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều điểm sáng, nhất là trong việc triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới hiện đại ngang tầm các BV T.Ư và khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quan tâm, đầu tư, ứng dụng triển khai y tế kỹ thuật cao xuống tuyến dưới, giúp người dân ngoại thành tiếp cận được các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền

Theo bác sĩ Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Đa khoa Đức Giang, cuộc phẫu thuật chỉnh gù vẹo cho bệnh nhân sẽ rất khó khăn và nhiều nguy cơ không an toàn cho người bệnh nếu không sử dụng robot. Hệ thống phẫu thuật robot với hình ảnh 3D, có đi kèm hệ thống cảnh báo thần kinh giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương các bộ phận thần kinh như tủy sống và các dây rễ thần kinh. Sử dụng robot trong phẫu thuật, tỷ lệ tai biến gần như không có, sự hồi phục của bệnh nhân sẽ nhanh chóng hơn bởi thời gian mổ rút ngắn còn 3 giờ so với 8 giờ mổ không có robot.

Đây là lần đầu tiên BV Đa khoa Đức Giang ứng dụng robot vào phẫu thuật cột sống và là BV thứ 2 sau BV Việt Đức áp dụng kỹ thuật cao này vào chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Tạo thương hiệu bệnh viện

Thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian nằm điều trị tại BV Đa khoa huyện Đan Phượng, bệnh nhân Nguyễn Thị B. (56 tuổi, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) cho hay, bà bị sa sinh dục với những triệu chứng buồn nôn, khó chịu, nặng bụng dưới, tiểu không tự chủ… Theo các bác sĩ, sa sinh dục là bệnh hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và làm giảm đáng kể chất lượng sống.

Trực tiếp triển khai phương pháp Crossen phẫu thuật cho bệnh nhân (cắt tử cung đường âm đạo), bác sĩ Quách Duy Kỷ - Phó Giám đốc phụ trách BV Đa khoa huyện Đan Phượng cho biết: “Phương pháp Crossen áp dụng cho bệnh nhân trên 40 tuổi và sa sinh dục độ III. Đây là một phẫu thuật khó, chỉ được áp dụng ở tuyến T.Ư hoặc tuyến tỉnh nhưng 5 năm qua, BV Đa khoa huyện Đan Phượng đã thực hiện thường quy kỹ thuật này một cách hiệu quả và triệt để nhất”.

Cũng theo bác sĩ Kỷ, những năm qua, BV Đa khoa huyện Đan Phượng được Sở Y tế Hà Nội đánh giá là một trong những BV tuyến huyện đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật cao trong các lĩnh vực, nhất là phẫu thuật sản phụ khoa: Phẫu thuật Crossen, phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn từ âm đạo, phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn đường bụng và các kỹ thuật mổ nội soi. Kể cả mổ nội soi trên những bệnh nhân đã có sẹo mổ cũ, BV đã triển khai, điều trị thành công. Bên cạnh đó là kỹ thuật thay khớp háng, mổ nối dây chằng tạo hình dây chằng chéo ở gối, áp dụng mổ trĩ theo phương pháp mới, thoát vị bẹn đặt lưới…

“Nhờ áp dụng hiệu quả các kỹ thuật cao, BV ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân ở các vùng lân cận như huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất, quận Bắc Từ Liêm... đến khám. Với quy mô hơn 300 giường bệnh nội trú; nếu trước đây, BV chỉ khám cho 250 - 300 bệnh nhân/ngày thì nay 650 - 750 bệnh nhân khám/ngày. Từ đó, “thương hiệu” của BV được nâng lên rõ rệt” – bác sĩ Kỷ chia sẻ.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại tuyến dưới. Từ đó, tiết kiệm chi phí đi lại cho bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải cho BV tuyến trên. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo các BV tuyến dưới, các đơn vị cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử, dù được BV tuyến trên chuyển giao kỹ thuật, nhưng việc đầu tư trang thiết bị hiện đại lại khó khăn. Ngoài ra, việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sĩ giỏi phải đối mặt với thực tế sẽ khó “giữ chân” họ, nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng.