Tán thành với việc quy định tăng thời hạn tạm trú lên 2 năm với các quận, giao cho HĐND tỉnh, TP quy định diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú mà chỗ ở là cho thuê, mượn, ở nhờ để tránh tình trạng một diện tích nhỏ nhưng có quá đông người "nhập khẩu", nhưng các ĐBQH vẫn băn khoăn về quy định trách nhiệm xác nhận diện tích bình quân của UBND phường.
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), ai sẽ xác minh để UBND phường xác nhận, phải chăng là tổ trưởng tổ dân phố hay lại tăng thêm người để làm việc này. Nếu xác nhận không đúng thì xử lý như thế nào, Dự thảo Luật không đề cập tới. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, quy định giao trách nhiệm xác nhận diện tích bình quân cho chính quyền địa phương là không khả thi, làm 63 tỉnh, TP và cơ sở lại phát sinh thêm bộ máy.
Quanh thủ tục hành chính, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất: Cần nghiên cứu để cơ quan đăng ký phải có trách nhiệm liên thông, tránh tình trạng người dân phải đến chỗ này xin tạm vắng, rồi đến chỗ kia xin tạm trú. Một số ĐB cũng đề nghị sửa đổi căn bản Dự án Luật này theo hướng bỏ quản lý cư trú của người dân bằng chế định hộ khẩu hiện hành, thay vào đó là phương thức quản lý mới hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin... Các ĐBQH cũng cho rằng, để tránh sức ép về phân bố dân cư không đồng đều gây mất cân bằng an sinh xã hội, cần làm nhiều biện pháp đồng đều về kinh tế - xã hội chứ không riêng gì vấn đề hộ khẩu. Đồng thời, Dự thảo Luật cần làm rõ quy định về điều kiện nhập khẩu, đăng ký thường trú trong những trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp như cha mẹ về ở với con cái hoặc ngược lại hay về ở với người thân… để tránh gây khó khăn trong thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Thảo luận Dự án Luật Việc làm, nhiều ĐBQH cho rằng, luật phải chỉ rõ những giải pháp để hỗ trợ người lao động, chứ không chỉ nói hỗ trợ chung chung, đồng thời quy trách nhiệm của người sử dụng lao động, việc trả tiền lương phải xứng đáng với công việc.
Ngoài ra, các ĐBQH cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động, bởi thị trường lao động hiện có khoảng 67% lực lượng lao động này. Tuy nhiên, Dự án Luật chỉ nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng...