Ứng Hòa là một huyện có diện tích cấy lúa lớn, diện tích cấy lúa đứng thứ hai TP. Năm 2017, toàn huyện gieo cấy với tổng diện tích 18.233 ha, sản lượng đạt 101.684 tấn. Sản lượng lúa hàng năm lớn, tuy nhiên việc sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô hộ nông dân.
Sản xuất chưa có kế hoạch, không theo yêu cầu của thị trường nên nhiều năm đã dẫn đến được mùa mất giá, làm giảm giá trị thu nhập của người dân và đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Mặt khác, do sản xuất quá nhiều giống lúa trên cánh đồng, sản xuất còn nhỏ lẻ, bảo quản thô sơ nên chất lượng sản phẩm lúa không đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thiếu cơ sở thu mua thóc tươi, sấy cho người nông dân nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Giá thành sản phẩm sau thu hoạch còn cao do chưa đáp ứng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Việc liên kết sản xuất giữa 4 nhà còn hạn chế, chưa thực sự bền vững.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Viễn cho cho rằng, sở dĩ sản xuất lúa gạo của huyện chưa đạt hiệu quả cao là do chuỗi liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các bên của quá trình sản xuất còn thiếu liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau. Chưa hình thành nên tổ chức đại diện cho các đơn vị tham gia cùng mua chung, bán chung một sản phẩm.
Để giải quyết những tồn tại trên và nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, huyện Ứng Hòa đã có chủ trương ưu tiên sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi liên kết. Qua đó, huyện đã định hướng, đưa nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất như giống lúa J02, Sơn Lâm 2, Thiên ưu 8… Trong đó, giống lúa J02 của Nhật Bản thể hiện ưu điểm vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá thành đã nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cho người nông dân. Bên cạnh đó, UBND huyện còn tạo điều kiện và khuyến khích áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần giải phóng sức lao động, hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Đến nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% diện tích.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển sản xuất lúa gạo theo chuỗi liên kết. Nâng cao giá trị lúa gạo hàng hóa bằng việc tổ chức sản xuất, liên kết thu mua trong đó ưu tiên việc thu hút DN chế biến, tiêu thụ. Chú ý việc mời gọi, quản lý các DN có hệ thống thu mua, bao tiêu lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất với giá cả đảm bảo. Đồng thời, ưu tiên tạo điều kiện cho DN có hướng phát triển hệ thống bảo quản và chế biến với các thiết bị công nghệ hiện đại, quy trình kỹ thuật tiên tiến đảm bảo sản phẩm gạo có chất lượng, cao giá thành thấp.