Tuy đến tháng 7 năm nay các tuyên bố về thuế và các biện pháp hạn chế khác mà hai nước dự kiến áp đặt mới có hiệu lực nhưng một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc và Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước, nếu nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tác động trước mắt của cuộc chiến tranh thương mại vẫn là những câu chuyện về dòng đầu tư, thương mại, du lịch…
|
Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt |
Theo TS Nguyễn Mại, nếu thuế suất được áp đặt, giá hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước sẽ tăng và giá hàng hóa nhập vào Việt Nam cũng tăng theo. Do đó, giá hàng hóa Việt Nam mà sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Mỹ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc sẽ hạn chế đầu vào để cắt giảm chi phí, qua đó tác động tiêu cực đến những nước xuất khẩu nhiều vào thị trường này.
Thị trường tài chính Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại hỗ trợ thanh toán cho DN xuất nhập khẩu sang nước khác. Từ đó sẽ tác động lên cung - cầu ngoại tệ và ảnh hưởng lên tỷ giá dài hạn. Căng thẳng trong quan hệ kinh tế hai cường quốc cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Nghiên cứu của ADB cho thấy khoảng 16,9% số hàng xuất khẩu của Philippines thuộc chuỗi sản xuất của các công ty Trung Quốc. Con số này chỉ vào khoảng 11,4% tại Malaysia và 2,2% tại Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam cần lưu ý đến hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu trên tổng kim ngạch của Việt Nam với Trung Quốc là 16,5%; với Mỹ là 19,4%. Còn tỷ trọng nhập khẩu với Trung Quốc là 27,7%; với Mỹ là 4,3%. “Việt Nam cần hướng đến mục tiêu tăng cường đầu tư nội địa để đa dạng hóa các nguồn lực giúp nền kinh tế tăng trưởng” - ADB khuyến nghị. |
Theo thống kê của EPFR Global, xu hướng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Việt Nam đã bắt đầu vào tuần thứ 2 của tháng 2, cùng thời điểm với sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu và kéo dài cho đến cuối tháng 3. Tính từ 8/2/2018, ước tính đã có 1.300 tỷ đồng rút khỏi 3 ETF của VFM, VanEck và Deutsche Bank, con số này bằng 36% tổng lượng vốn đổ vào 3 ETF từ đầu năm tính đến 7/2/2018 là 3.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những diễn biến và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng, cải cách kinh tế... diễn ra trong 2017 và những tháng đầu năm 2018 thì dòng vốn ngoại vào vẫn nhiều hơn ra. Vì vậy, vấn đề ở đây là việc Việt Nam nên ứng xử như thế nào để giảm thiểu rủi ro và tận dụng được những cơ hội lâu dài.
Cần tăng sự hấp dẫn của thị trườngVới Việt Nam, chiến tranh thương mại nếu nổ ra vẫn có một số điểm có lợi. “Ví dụ, Trung Quốc không thể bán được hàng hóa sang Mỹ như trước, họ có thể đi tìm thị trường ở bên cạnh, trong đó có Việt Nam. Ngược lại phía Mỹ cũng vậy” - TS Võ Trí Thành phân tích.
Tương tự, sản xuất quần áo, giày dép và điện tử, nhiều quốc gia đang phát triển khác với chi phí thấp hơn bắt đầu giành đầu tư và công ăn việc làm từ nước này, để thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng ở nước nhà. Việt Nam đang đi qua đợt bùng nổ xuất khẩu, trong đó có may mặc và điện thoại di động. Vấn đề ở đây là nên ứng xử như thế nào để giảm thiểu rủi ro và tận dụng được những cơ hội lâu dài. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, tạo ra sức hút từ câu chuyện tăng trưởng... để hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời thúc đẩy cải tiến, mở thêm các ngành xuất khẩu công nghệ cao.
“Sự chệch hướng thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các bên muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ. Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn nếu không cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình” - TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, đồng thời khuyến nghị cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động có kỹ năng, nhằm bảo đảm tăng trưởng được duy trì bền vững.