Kinhtedothi - “Dù phải đến tháng 10/2016, quyết định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thêm đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế nhưng Việt Nam vẫn cần phải phản ứng nhanh với việc chuyển đổi trật tự tiền tệ toàn cầu để nắm bắt những cơ hội mới và quản lý rủi ro tốt hơn” - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cán bộ nghiên cứu cao cấp về châu Á tại trường Harvard Kennedy Nguyễn Xuân Thành chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.
Ông nhận xét gì về động thái của (IMF) chính thức thêm NDT vào giỏ các đồng tiền dự trữ. Điều này sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế Việt Nam như vấn đề thương mại, tiền tệ và tỷ giá trong nước?
- Quyết định đưa NDT vào giỏ tiền tệ dự trữ của IMF được coi như một sự thừa nhận của thế giới đối với nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền này của chính phủ Trung Quốc. Về cơ bản thị trường đã tiên liệu trước. Trung Quốc đã chuẩn bị trong 10 năm qua và IMF đã bật tín hiệu hồi đầu năm nên tác động liên quan đến giá cả chứng khoán, tài chính đã phản ánh phần nào trong thời qua. Chính vì thế khi công bố, NDT chưa biến động và chứng khoán Trung Quốc cũng chưa thay đổi. Tuy nhiên ở góc độ toàn cầu sẽ có một số tác động. Thứ nhất, tác động với việc tăng dự trữ ngoại hối bằng NDT. Hiện nay theo số liệu của một vài ngân hàng trên thế giới tính toán đâu đó đang khoảng 1%. Người ta đang dự kiến khoảng 5 năm tới nó sẽ ở mức 4%, bằng với đồng Yên của Nhật Bản hiện nay. Thứ hai, trong quan hệ thương mại giao dịch thanh toán quốc tế sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn với NDT. Tất nhiên, sẽ không bùng nổ vì người ta còn xem xét hai việc là NH T.Ư Trung Quốc thực hiện cam kết thế nào trong ứng xử với chính sách tiền tệ tỷ giá. Bên cạnh đó là những quan ngại tính minh bạch của Trung Quốc, vì thế sẽ không xảy ra hiện tượng ào ạt chuyển sang NDT.
Với Việt Nam cũng đặt tình huống xem xét sắp tới có dự trữ NDT hay không. Trong khi quan hệ thương mại sẽ có một chút ảnh hưởng. Chấp nhận thanh toán quốc tế bằng NDT trong thương mại của hai nước có thể xảy ra nhưng không xảy ra ồ ạt, vì hiện nay quan hệ thương mại đó chủ yếu vẫn là do bên xuất và nhập khẩu quyết định. Ví dụ như bên Trung Quốc muốn thanh toán bằng NDT nhưng DN Việt Nam muốn thanh toán bằng USD để dễ chuyển đổi hơn, dễ mua hơn, bên Trung Quốc, vì hợp đồng xuất khẩu họ có thể vẫn phải chấp nhận. Do đó tác động không nhiều.
Thứ ba, có một phần liên quan đến chính sách tiền tệ tỷ giá, trong chính sách tỷ giá, Trung Quốc phải linh hoạt thả nổi tỷ giá, thực hiện tự do hóa lãi suất tiết kiệm nếu muốn giữ cam kết trong rổ tiền tệ IMF với quốc tế. Và hiện nay quốc tế cũng đang theo dõi Trung Quốc thực hiện vấn đề này. Ngoài ra, tác động một chút liên quan đến nợ nước ngoài của Việt Nam. Hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam chưa có số liệu chính thức nhưng NDT chiếm 10,92 tỷ trọng trong quyền rút vốn đặc biệt (SDR) sẽ tác động nhất định tới Việt Nam. Nhưng nên nhớ thời điểm có hiệu lực là tháng 10/2016.
Khi tham gia vào giỏ các đồng tiền dự trữ, cần phải có những cam kết ràng buộc gì, thưa ông?
- Để đạt tiêu chuẩn tham gia vào nhóm đồng tiền thuộc SDR của IMF, quốc gia cần phải là một nước xuất khẩu lớn và tiền tệ của họ phải "được tự do sử dụng, phải minh bạch hóa thông tin, giảm bớt sự can thiệp hành chính của NH T.Ư nước đó, và phải ở trong thị trường thả nổi được quyết định bởi cung cầu trên thị trường”. Chính phủ muốn can thiệp chỉ có thể can thiệp gián tiếp, tức họ có ngoại tệ buôn bán ra để điều chỉnh cung cầu trên thị trường. Trong 5 đồng tiền dự trữ, 4 đồng tiền hiện hữu là USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật đã thả nổi và NDT cũng sẽ phải hướng tới thả nổi.
Tuần qua NHNN khẳng định tiếp tục ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép. Với những diễn biến thị trường ngoại tệ gần đây, cộng thêm sự kiện NDT tham gia vào giỏ dự trữ quốc tế có đe dọa tới chính sách này không và NHNN cần chuẩn bị ứng phó như thế nào?
- Thứ nhất, Việt Nam cần phải phản ứng nhanh với việc chuyển đổi trật tự tiền tệ toàn cầu để nắm bắt những cơ hội mới và quản lý rủi ro tốt hơn. Trước tôi rất ủng hộ với một chính sách tỷ giá tương đối cứng nhắc vì những năm trước ổn định VND rất quan trọng để tạo niềm tin của người dân và nhà đầu tư với VND. Nhưng hiện thị trường thế giới biến động mạnh, việc NDT bị phá giá trong tháng 8 vừa qua có thể coi như “vô tiền khoáng hậu”, không ai ngờ đến nhưng rõ ràng nó đã xảy ra. Khi NDT bị phá giá 4,6% lập tức rất nhiều các đồng tiền, trong đó có VND cũng phải phá giá. Nếu từ cuối 2011, mỗi năm NHNN chỉ điều chỉnh tỷ giá 1 - 2 lần, 2 - 3 đợt biến động phải can thiệp, thì riêng từ đầu năm đến nay đã phải 3 lần điều chỉnh, 2 lần nới biên độ. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ đã theo hướng linh hoạt hơn.
Dự trữ ngoại hối cần phải tính toán đa dạng hóa bằng cách tăng một phần NDT, cái đó cũng là xu thế tất yếu. Thứ hai, cần phải bám sát chính sách tiền tệ, giá của NDT để có ứng phó kịp thời. Thứ ba, với các định chế tài chính, DN cần quan tâm hơn đến câu chuyện quản lý rủi ro tỷ giá, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và đa dạng hóa thị trường đối tác, nghiên cứu để sử dụng một số công cụ phái sinh mà năm 2016 thị trường Việt Nam sẽ triển khai…
Xin cảm ơn ông!
NDT đã tăng giá khoảng 15% trong vòng một năm qua nên dư địa để xuống giá vẫn còn. Nếu trong tương lai NDT tiếp tục đi vào thị trường thả nổi có thể NDT sẽ phải đi xuống, vì hiện tại đồng tiền này vẫn còn được định giá cao.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực
NHNN còn một vài công cụ nữa để sử dụng nhưng dần dần dư địa càng ngày càng cạn kiệt. Và tới một lúc nào đó sẽ không có cách nào hơn là phải tiếp tục điều chỉnh để bảo vệ thị trường xuất khẩu của mình. Nếu không phá giá VND mà neo với đồng USD sẽ rất bất lợi cho mậu dịch của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
|