Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng viên nên hiểu rõ về nơi ứng cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nhân dân mỗi một xã, một phường nơi ứng viên ứng cử phải được thông tin đầy đủ...

Kinhtedothi - “Nhân dân mỗi một xã, một phường nơi ứng viên ứng cử phải được thông tin đầy đủ về các ứng viên để có đủ cơ sở lựa chọn” - đó là nguyên tắc được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh khi hướng dẫn về việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri để thực hiện vận động bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nhưng để ứng cử viên truyền đạt được đến tất cả cử tri thông tin và chương trình hành động của mình cũng có nhiều vấn đề đáng lưu ý, như chia sẻ của những ĐB Quốc hội đi trước.
Cử tri phường Đồng Xuân, quận Hoàn­­­­­ Kiếm xem danh sách cử tri.  	Ảnh: Linh Anh
Cử tri phường Đồng Xuân, quận Hoàn­­­­­ Kiếm xem danh sách cử tri. Ảnh: Linh Anh
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, ĐB Quốc hội Khóa XIII tỉnh Nam Định, người có kinh nghiệm 4 lần tham gia tổ chức bầu cử chia sẻ: Trong vận động bầu cử, Luật đã quy định người ứng cử ĐB Quốc hội chỉ áp dụng 2 hình thức là vận động bầu cử qua hội nghị tiếp xúc cử tri và qua phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, trong tiếp xúc cử tri để người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình, mỗi địa phương đều cố gắng tăng số lượng cử tri tới dự. Tuy vậy việc này rất khó khăn, đôi khi khó khăn ở cả việc thiếu chỗ ngồi nên mỗi hội nghị chỉ có khoảng vài trăm người và ở mỗi đơn vị bầu cử thì người ứng cử cũng chỉ tiếp xúc được 5 tới 7 cuộc. Tính trung bình sẽ có khoảng hơn 1.000 người tới nghe trực tiếp chương trình hành động của ứng viên. Điều này cho thấy số cử tri đại diện so với số lượng cử tri ở nơi đó là không đáng kể và có thể sẽ tác động tới số phiếu bầu cử của ĐB đó. “Do đó, người ứng cử phải tận dụng kênh bầu cử rất quan trọng thứ hai là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu chương trình hành động của mình, để nhiều cử tri biết đến mình hơn, có cơ sở đánh giá, cân nhắc khi bỏ phiếu” - ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh.

Và với kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, để vận động bầu cử đạt hiệu quả nhất với người ứng cử là cán bộ ở T.Ư và địa phương không có gì khó khăn, vì đây là những người có nhiều kinh nghiệm. Nhưng với người ứng cử lần đầu hoặc người ứng cử là cán bộ cấp cơ sở thì cũng có những khó khăn. “Theo tôi, người ứng cử muốn cử tri hiểu rõ mình thì phải dành thời gian thích đáng cho việc tìm hiểu kỹ địa phương nơi ứng cử như vị trí, thế mạnh kinh tế xã hội, thành phần dân tộc, tôn giáo…, đặc biệt với người ứng cử ĐB Quốc hội lần đầu. Nếu không, vấn đề mình đề cập sẽ không gần gũi, gắn bó, thiết thực với cử tri nơi ứng viên ra ứng cử. Đặc biệt, trong trình bày chương trình hành động của mình, người ứng cử không hứa những điều mà mình không có cơ sở thực hiện. Bởi mọi quyết định của Quốc hội là quyết định của tập thể nên người vận động tranh cử không thể "hứa" vào được Quốc hội thì tôi sẽ làm luật này, ban hành chính sách kia” - ông Pha chia sẻ.

Chia sẻ với báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐB Quốc hội Khóa XIII, đoàn Đồng Nai) với kinh nghiệm ba khóa liên tục là ĐB Quốc hội cho rằng: Điều quan trọng là các ứng cử viên phải có chính kiến của mình, không thể nói chung chung là tôi muốn tham gia và hãy bầu cho tôi. Nghĩa là ứng cử viên phải có năng lực thuyết phục các cử tri về cái lợi mà mình sẽ mang lại khi tham gia vào Quốc hội. Đây chính là chỗ liên quan đến vận động bầu cử, chương trình hành động của mỗi ứng cử viên mà trong Luật Bầu cử đã có quy định. Và khi ứng cử viên công bố chương trình hành động của mình thì phải có tính chuẩn mực, đảm bảo những yếu tố về mặt văn hoá, chính trị, tác động xã hội, không phải muốn nói gì thì nói theo kiểu “chém gió” cho vui.

ĐB Quốc hội Khóa XIII Cao Sĩ Kiêm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch  Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng chia sẻ: Trong tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử đều có quyền trình bày hoạt động của mình, cách làm của mình cũng như nhận thức của mình trước cử tri. Trong quá trình vận động tranh cử, ai đưa ra được kế hoạch hoạt động sáng sủa hơn thì cử tri sẽ nghiêng về người đó, ủng hộ người đó và lựa chọn người đó làm người đại diện cho mình. Trong quá trình vận động bầu cử, tiếp xúc với cử tri, tiếp xúc với địa phương nếu các ứng cử viên không nắm được tình hình địa phương, không có ý tưởng đóng góp tốt cho địa phương cũng như không có chương trình rõ ràng thì những người đó mặc dù T.Ư giới thiệu cũng  khó trúng cử.
Thông tin từ Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, theo tổng hợp ban đầu, sau 3 vòng hiệp thương, cả nước có 879 ứng cử viên để bầu 500 đại biểu Quốc hội Khóa XIV; trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 97%, cao đẳng chiếm 3%. Danh sách giới thiệu đã được chuyển sang Hội đồng bầu cử Quốc gia và sẽ được công bố chính thức vào ngày 27/4. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử sẽ được tiến hành từ ngày 27/4 và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5).