Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu cho phép VNA như vậy sẽ tạo ra những tiền lệ không mấy tích cực cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bấy lâu nay được hưởng nhiều đặc quyền và mất đi động lực buộc DN đổi mới.
Vẫn nặng tư duy dựa dẫm
Cụ thể, VNA kiến nghị cho phép tổng công ty được giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) để bổ sung vốn mua máy bay đã được Thủ tướng phê duyệt trước đây. Ngoài ra, VNA được tiếp tục thực hiện cơ chế Chính phủ bảo lãnh miễn phí vay vốn mua máy bay, động cơ máy bay khi thực hiện các dự án mua máy bay đã ký hợp đồng mua theo kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt...
Công nhân PVGas kiểm tra kỹ thuật hệ thống dẫn gas. Ảnh: Trần Thọ
|
Trước đó, viện dẫn những khó khăn từ thị trường, từ tháng 5 vừa qua, VNA đã đề xuất lên bộ chủ quản (Bộ GTVT) xin phép được giảm 25% giá/phí khai thác tại các sân bay và hoạt động điều hành bay, đồng thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu dùng cho máy bay từ mức 7% hiện nay xuống 3%. Đối với giá thuê mặt bằng và giá các dịch vụ khác tại sân bay, VNA xin chưa thực hiện tăng giá trong năm 2014. Ngoài ra, DN cũng kiến nghị Chính phủ nới lỏng chính sách visa đối với một số thị trường quan trọng như Anh, Pháp, Đức, Úc và Ấn Độ…
VNA không phải trường hợp duy nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế trên. Trước đây, nhiều DN như Vietinbank, PVGas, PVFC (nay là PvcomBank) cũng từng đề xuất xin giữ lại thặng dư CPH để sử dụng trong DN. Và câu chuyện DN được hưởng lợi thế ngành, lợi thế độc quyền, có lợi nhuận lớn vẫn còn nguyên tính thời sự trên thị trường chứng khoán (TTCK). Đơn cử như trường hợp PVGas từng thu hút sự quan tâm của dư luận. PVGas là DN dầu khí có lợi nhuận thuộc hàng lớn trên sàn niêm yết. Lợi nhuận này có được phần lớn đến từ lợi thế độc quyền (do PVGas được mua khí đầu vào với giá thấp, bán giá cao ra thị trường). Hiện, Nhà nước vẫn sở hữu tới 97% vốn tại PVGas, bản thân DN này đang muốn giảm vốn Nhà nước tại đây bằng cách bán bớt 20% vốn Nhà nước tại DN. Tuy nhiên, như đã đề cập, có nhiều ý kiến xung quanh hiệu quả kinh doanh rất cao của PVGas và cho rằng, cần làm rõ sự độc quyền này trước khi bán bớt vốn Nhà nước tại đây. Bởi, nếu không cân nhắc kỹ, lợi thế quốc gia có thể chảy vào túi các nhà đầu tư bên ngoài.
Cổ phần hóa phải đúng bản chất
Theo các chuyên gia kinh tế, lâu nay, VNA vốn đã được hưởng nhiều ưu đãi khi là hãng hàng không quốc gia, chiếm thị phần lớn nhất nước (62%), đó là chưa kể lại nắm cổ phần chi phối ở hãng Jetstar Pacific (chiếm thị phần trên 15%). Trong khi các hãng hàng không khác thường xuyên phải tung ra các chiêu khuyến mại, giảm giá vé để thu hút khách thì VNA vẫn luôn bình chân như vại. Do lợi thế gần như độc quyền này, giá vé của VNA luôn cao hơn hẳn các hãng khác nhiều lần, song VNA vẫn không lo bị ế khách. Với những lợi thế có được, trong nhiều năm qua, số lãi mà VNA có được là một con số không nhỏ. Thế nhưng, phương án CPH của VNA vẫn chưa thoát khỏi tư duy dựa dẫm vào bảo trợ của Nhà nước với nhiều đề xuất xin thêm các chính sách ưu đãi.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, bản chất của CPH DNNN hiện nay giảm dần vai trò của Nhà nước trong các DN đó, thay đổi phương thức quản trị, điều hành nhằm thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả, chứ không thể tiếp tục trao cho DN cái ô ưu đãi như khi là DNNN.
Không chỉ có VNA, tới đây sẽ có rất nhiều DNNN lớn CPH như MobiFone, Vinatex, Lilama, Vicem… Nếu DN nào cũng đề xuất cơ chế ưu đãi, Chính phủ sẽ giải quyết ra sao. Chấp thuận cho một đơn vị, sẽ phải xem xét đề xuất của những đơn vị khác. Bởi vậy, dư luận và giới chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên tạo ra những tiền lệ ưu đãi khi DN CPH. Tạo sân chơi bình đẳng, tạo sức ép để DNNN chuyển đổi hoạt động là yêu cầu cấp thiết, nếu không đổi mới DNNN chẳng khác nào kiểu bình mới, rượu cũ đã xảy ra ở nhiều DN bấy lâu nay.
Hành khách đặt mua vé máy bay tại một chi nhánh VietnamAirlines Hà Nội. Ảnh: Hùng Huy
|
"Xã hội đã chứng kiến ngành xăng dầu lãi khủng, nhưng vẫn kêu lỗ để được tăng giá xăng. Tương tự than và điện cũng thường xuyên "hát" điệp khúc quen thuộc, và bây giờ là VNA. Nền kinh tế đang tiến tới sự cạnh tranh bình đẳng, không có chuyện tạo cơ chế ưu đãi, cho không đối với bất kỳ một DN nào. Luật DN sửa đổi cũng hướng đến một môi trường kinh doanh bình đẳng, trong đó, loại bỏ dần cơ chế xin - cho. Do đó, việc xin ưu đãi của VNA sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những tập đoàn, DNNN khác." - TS Lê Đăng Doanh |