Đó là chia sẻ của ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (ảnh bên) trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh chủ đề triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay.
Có ý kiến cho rằng, lạm phát đang được kiểm soát tốt và đây là lúc nên ưu tiên hơn cho tăng trưởng, quan điểm của ông thế nào về ý kiến trên?
- Chỉ số bán lẻ từ đầu năm cho thấy rõ mức tiêu dùng, tốc độ tăng tín dụng và giải ngân vốn ngân sách đều thấp. Các yếu tố này dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Lạm phát đang được kiểm soát tốt và có khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% cho năm 2013. Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm, chính sách vĩ mô cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh sức mua thấp và sản xuất đình trệ, cần kích tổng cầu. Muốn vậy, phải tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng tín dụng để DN (nhất là các DN hoạt động tốt) tiếp cận vốn và tái đầu tư.
Ủy ban Giám sát tài chính kiến nghị, giảm lãi suất cho vay về 10%, theo ông có hợp lý?
- Tôi đồng tình với quan điểm này, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013, đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế thì cần tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống nhằm khuyến khích DN vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ quy định trần lãi suất huy động, giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết. Ngoài các giải pháp hỗ trợ thị trường thì chính sách tài khóa cần có những giải pháp mạnh hơn, đó là giảm thuế để tạo cầu. Bên cạnh đó, thông qua các biện pháp đẩy mạnh tốc độ chi đầu tư công vào những công trình trọng điểm, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014...
Hạ lãi suất cho vay nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Trong ảnh: Lắp ráp linh kiện tại Công ty ô tô Cửu Long.Ảnh: Internet.
Nới chi đầu tư công, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế là ý kiến của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, việc này theo ông liệu có thể gây áp lực lên nợ công, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này?
- Tất nhiên là tăng chi đầu tư công có thể làm tăng bội chi ngân sách. Theo cơ chế hạch toán hiện nay, chúng ta có thể tăng chi bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn này hiện vẫn chưa tính vào dự toán cân đối ngân sách. Để tránh khủng hoảng nợ công, cách duy nhất là chú trọng vay trong nước thay vì nước ngoài. Bởi, vay nước ngoài gặp rủi ro tỷ giá hối đoái rất lớn, vay trong nước sẽ giảm được rủi ro này, đồng thời giảm tình trạng "đóng băng" tín dụng. Do đó, theo tôi, có thể xem xét tăng chi từ nguồn trái phiếu trong nước.Chủ trương Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP) mở rộng đầu tư công là hợp lý và hoàn toàn đúng. Trong điều kiện nước ta hiện nay, tăng đầu tư mới có thể tăng GDP. Quan trọng hơn nó có tác dụng khắc phục tình trạng "đóng băng" tín dụng, bởi phần lớn TPCP phát hành được các ngân hàng thương mại mua lại, giảm bớt khó khăn tài chính trong trường hợp họ không thể giải ngân qua các khách hàng cá nhân và DN. Nói cách khác, tín dụng không ra bằng con đường ngân hàng thì phải ra bằng đường ngân sách, tổng cầu mới phục hồi. Vì thế, việc phát hành TPCP có lợi trong dài hạn, đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải, cho nền kinh tê, lợi ngắn hạn là khu vực tài chính ngân hàng. Việc phục hồi tổng cầu cũng có lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ lan tỏa đến các ngành khác.
Theo ông làm thế nào để vừa tăng đầu tư cho xã hội mà vẫn có thể kiểm soát được nợ công?
- Song song với tăng chi đầu tư công thì phải cải thiện hiệu quả đầu tư, đây là vấn đề cơ bản của nền kinh tế. Thí dụ, vay trong nước phát hành TPCP lãi suất 7%/năm phải sử dụng hiệu quả trên mức 9 - 10%/năm. Và khi sử dụng hiệu quả, khả năng giảm dần nợ công trên GDP có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, còn nhiều nguồn lực có thể phát huy nếu rà soát thoái vốn ở hàng trăm DN đầu tư ngoài ngành.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng khác là cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong việc sử dụng nợ công. Thành lập Ban Giám sát nợ công là hợp lý, vì theo tôi đấy cũng là chức năng của Quốc hội. Quốc hội phải giám sát được nợ công. Ở nhiều nước, người ta coi việc công khai nợ công là rất bình thường, thậm chí họ thông báo trên bảng điện tử nơi công cộng hàng ngày, hàng giờ tăng, giảm ra sao. Nợ công sẽ dần dần minh bạch hơn.
Xin cảm ơn ông!