Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện "Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau" được tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua (19/8).
“Bức tranh tồn kho” sáng dần
Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và triển khai Nghị quyết số 13 ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, ngày 19/10/2012, Bộ Công Thương đã tổ chức ký kết thỏa thuận chung giữa 16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Ngay sau đó, các đơn vị đã triển khai nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa như thép xây dựng, xăng dầu, khí hóa lỏng, than, phân bón, hóa chất, giấy in, điện… Tìm hiểu nhu cầu của nhau để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, các lĩnh vực có khả năng hợp tác. Thời gian qua, Tổng Công ty Thép đã cung cấp 341,28 tấn thép chống lò cho Tập đoàn Công nghiệp (CN) Than - Khoáng sản (TKV). Tập đoàn Xăng dầu và PVN đang hợp tác phân phối, kinh doanh sản phẩm xăng E5 và mới đây đã bán thử nghiệm tại Quảng Ngãi...
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau 2 năm, nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị gần 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng điện, xăng dầu). "Đáng chú ý, các tập đoàn, tổng công ty còn mở rộng hợp đồng với các DN sản xuất trong nước đối với nhiều nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa giai đoạn 2012 - 2014. Đây cũng là một kết quả thiết thực góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá. Việc thực hiện thỏa thuận giữa các đơn vị đã góp phần giảm hàng tồn kho của ngành CN chế biến, chế tạo, và tăng thị phần trong nước của các sản phẩm: Trước khi thỏa thuận, đến ngày 1/9/2012, chỉ số tồn kho ngành CN chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi ký thỏa thuận, một số ngành có các tập đoàn, tổng công ty tham gia ký kết có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; dệt tăng 1,7%...
Để việc thực hiện không là “đối phó”
Dù đã đạt thành công bước đầu, song đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty phản ánh, các quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành khiến các đơn vị thành viên không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo của một số tập đoàn, tổng công ty có tính chất kêu gọi chứ chưa có tiêu chí cụ thể trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Vì thế, hầu hết các DN cho rằng, rất cần quy chế rõ ràng để các DN nâng cao nhận thức sử dụng hàng hóa của nhau, với điều kiện chúng có cùng mặt bằng về giá và chất lượng so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần có nhiều kênh thông tin để DN dễ dàng biết đến những sản phẩm mà DN khác đã sản xuất, cung ứng được cho mình.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn đề xuất: Chính phủ, nên có chính sách ưu đãi cụ thể về vốn và định hướng về công nghệ, sản phẩm nhằm tạo môi trường kinh doanh thích hợp để DN phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm có tính kỹ thuật cao, cải tiến về chất lượng và mẫu mã nhằm đáp ứng thị trường tốt nhất.
Các công ty, tập đoàn cần ưu tiên sử dụng hàng hóa của nhau để góp phần phát triển kinh tế chung. Trong ảnh: Vận hành, sản xuất giấy cuộn tại Công ty Giấy Bãi Bằng. Ảnh: Hùng Huy
|
Các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ và các đơn vị cung cấp trong ngành, trong nước phải có các biện pháp, sáng kiến để giảm giá thành sản xuất, chi phí đầu vào nhằm đưa ra được mức giá bán cạnh tranh nhất. Đặc biệt, đối với ngành Cơ khí, sản phẩm chuyên ngành cần đầu tư nghiên cứu để cải tiến chất lượng đạt tiêu chuẩn ngang tầm quốc tế. Đây là giải pháp hữu hiệu để các tập đoàn có thể yên tâm sử dụng sản phẩm của nhau. Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương |