Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 19, sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật - Ảnh 1
 
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Xử lý tận gốc tình trạng thông thầu, đội giá

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo 9 vấn đề lớn của dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) về phạm vi điều chỉnh; liên danh dự thầu; chỉ định thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; việc thực hiện đấu thầu thông qua cơ quan độc lập chuyên nghiệp; các hành vi bị cấm và hình thức xử lý; hình thức giá hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm; cơ chế trọng tài giải quyết kiến nghị trong đấu thầu; cơ chế kiểm tra của cơ quan quản lý hoạt động đấu thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu đối với những gói thầu lớn.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) cần khẳng định được những thay đổi căn bản so với Luật hiện hành nhằm tập trung khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu thầu hiện nay. Cụ thể như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiều dự án đầu tư (nhất là dự án sử dụng vốn Nhà nước) bị kéo dài tiến độ, trong đó có nguyên nhân do lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực; bỏ thầu thấp để trúng thầu rồi kéo dài thời gian thi công để đợi tăng giá, không chấp hành tốt những ký kết ban đầu, dẫn tới những kết quả đấu thầu hầu như không có ý nghĩa về mặt thực tế; bán thầu; đưa ra hợp đồng đấu thầu thiên về giá mà không chú trọng yếu tố kỹ thuật...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng tình với tình trạng thường xuyên điều chỉnh giá, dây dưa, kéo dài tiến độ, đội giá và những tiêu cực do thông thầu. Vấn đề đáng quan tâm là có tiêu cực nhưng không xử lý được vì vẫn “đúng luật.”

Chủ tịch nhấn mạnh cốt lõi của thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là ở những vấn đề này. Dự thảo Luật cần chứng minh được những điểm hơn so với Luật hiện hành, nhằm giải quyết, xử lý được tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu; đảm bảo tính nghiêm túc, khả thi, hiệu quả của Luật trong thực tế.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, chi tiết hơn trong việc lựa chọn nhằm đảm bảo năng lực nhà thầu; quy định thống nhất phương pháp đánh giá hồ sơ thầu theo tiêu chí giá thấp nhất nhưng chất lượng tốt nhất; giá trúng thầu là giá cuối cùng và đã phải tính toán hết những biến động, rủi ro phát sinh, “lời ăn lỗ chịu.”

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành không quy định về quy mô vốn nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền (500 tỷ đồng) mà quy định mức 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với các dự án có vốn đầu tư lớn. Nhiều ý kiến cũng tán thành việc không quy định đấu thầu đối với dự án sử dụng vốn ODA trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhưng đối với dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước cần quy định nguyên tắc việc áp dụng đấu thầu trong Luật.

Riêng về đấu thầu trong hoạt động mua thuốc chữa bệnh, một số ý kiến đề nghị trong điều kiện chưa ban hành được luật riêng cũng cần có một chương riêng quy định về vấn đề này bởi giá thuốc hiện chiếm tỷ lệ ngân sách rất lớn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, dự thảo Luật cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề quản lý đấu thầu và quản lý nhà nước về giá thuốc. Hiện, chi phí thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí điều trị (trên 60%). Nếu có cơ chế quản lý tốt, đấu thầu tốt, con số này có thể giảm xuống.

Bà Trương Thị Mai cho rằng trong tình trạng “muôn hình vạn trạng” về đấu thầu thuốc hiện nay, phải đảm bảo để người dân có thể yên tâm, tin cậy về giá thuốc.

Mở rộng hơn quy định về công khai, minh bạch trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành những vấn lớn thống nhất tiếp thu trong dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) về tính kế thừa, tính cụ thể của dự thảo Luật; các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ 4 vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và điều khoản thi hành.

Thảo luận về những nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh những quy định về vấn đề xử lý hành vi gây lãng phí; công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện... để đảm bảo tính khả thi của Luật; ngăn chặn, đẩy lùi được lãng phí; cơ chế giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, báo chí...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) cần quy định như thế nào nhằm khắc phục tình trạng không xử lý được những vi phạm trong lãng phí công như quy hoạch treo, bỏ hoang đất... mà gắn liền là tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó là vai trò của Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội đối với vấn đề lãng phí trong xã hội như việc tổ chức lễ hội tràn lan với những hệ lụy như đánh bạc, buôn thần, bán thánh; lãng phí trong việc hiếu, việc hỉ...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nội dung của Luật sửa đổi tập trung vào xác định các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, hành vi lãng phí và xử lý hành vi lãng phí, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Vấn đề khó nhất đặt ra hiện nay là lượng hóa mức độ lãng phí; tổ chức thực hiện Luật với quan điểm đã phát hiện lãng phí, phải xử lý đến cùng; dựa vào tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ xem xét, đánh giá.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và nhiều đại biểu, vấn đề cơ chế công khai minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những trọng điểm quan trọng, nên mở rộng thêm, trừ những lĩnh vực bí mật để Luật có hiệu lực mạnh hơn.

Liên quan đến quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều ý kiến cho rằng trong một số hoạt động huy động, sử dụng nguồn lực lớn của cộng đồng, cần phải công khai mục đích, mức độ quyên góp, sử dụng, không thể chỉ quy định mang tính chất khuyến khích, động viên.

Bà Trương Thị Mai cũng đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cần làm rõ, cụ thể hơn chế tài về trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội cần gắn chặt hơn với trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương...