Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

V.League trong cơn khát bản quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nguồn thu quan trọng nhất của một giải đấu là bản quyền truyền hình. Thế nhưng, vài năm qua, khi V.League được chuyển cho VPF quản lý, nguồn thu này chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Thế thời phải thế

Ở Việt Nam có một thực tế khiến các nhà tổ chức phải đau đầu là khi mời gọi nhà tài trợ, họ luôn bị yêu cầu là "phải có truyền hình trực tiếp". Điều khoản phụ này lại là bài toán nan giải cho các giải đấu. Bởi lẽ, ở những giải đấu hàng đầu, các nhà đài phải hao tiền tốn của, cạnh tranh nhau gay gắt để giành quyền phát sóng thì tại Việt Nam lâu nay, để được phát sóng, Ban tổ chức giải phải tiến hành rất nhiều thao tác kỹ thuật.
V.League trong cơn khát bản quyền - Ảnh 1
Các đài truyền hình ở Việt Nam hiện nay đang ở thế được chọn lựa truyền hay không truyền V.League. Hay nói cách khác, V.League chưa phải là địa vực mà các đài phải tranh giành nhau để có được chỗ đứng. Trong khi đó, các nhà tài trợ thì luôn luôn yêu cầu phải có truyền hình thì mới quyết định đồng hành với giải đấu. Cũng chính vì điều này mà trước đây, tiếng là thu được bản quyền truyền hình nhưng VFF chỉ có được khoản tiền mang tính tượng trưng. Nó thể hiện sự hào hiệp của nhà đài trong việc hỗ trợ nền bóng đá chứ không phải họ đang đi mua món hàng đắt giá và phải trả tiền.

Phải tự cứu mình

Cách đây vài năm, VPF đưa ra chính sách đổi bản quyền truyền hình các giải đấu lấy sóng quảng cáo. Họ tin rằng, nhờ bước đi đột phá này, nguồn thu từ bản quyền truyền hình sẽ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam đã sụp đổ và nguồn thu từ việc đổi sóng quảng cáo lấy bản quyền không được như kỳ vọng.

Năm 2015, VPF đã chi hơn 22 tỷ đồng nhằm mua sóng quảng cáo trên truyền hình. Nguồn thu của VPF đến từ các nhà tài trợ thông qua việc đặt bảng quảng cáo trên sân và phát sóng quảng cáo trên truyền hình. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà tài trợ đang gặp nhiều khó khăn bởi sức khỏe nền kinh tế. Vậy mới có chuyện, người ta chỉ thấy những đối tác thân thiết của VPF xuất hiện trên sóng quảng cáo một cách dày đặc, trong khi để gia tăng nguồn thu, họ phải tìm được nhiều nhà tài trợ hơn.

Vấn đề đặt ra là VPF phải đa dạng được cách bán hàng và nâng cao chất lượng giải đấu. Họ phải hướng đến khoản thu từ bản quyền truyền hình thông qua cách tiếp cận vấn đề mới. Đang có thông tin cho rằng, để nắm giữ thế chủ động trong đàm phán với các đối tác, VPF sẽ phát triển hệ thống truyền hình trực tuyến và tiến tới xây dựng kênh truyền hình riêng. Khi ấy, VPF có thể đàm phán một cách chủ động với các nhà tài trợ và cũng bớt phụ thuộc vào nhà đài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là VPF sẽ vận hành hệ thống truyền hình của mình ra sao và khai thác thế nào cho có nguồn thu nhằm hỗ trợ được các đội bóng?

Giới chuyên môn cho rằng, điểm mấu chốt của VPF là phải nâng cao chất lượng giải đấu. Từ hình ảnh, công tác tổ chức đến chất lượng giải đấu cần được nâng lên. Chỉ có vậy họ mới thu hút được khán giả, có tiếng nói trong cuộc đàm phán với các nhà tài trợ cũng như đối tác truyền thông. Một khi V.League là món hàng thực sự chất lượng thì VPF có quyền đòi hỏi các đối tác phải vào cuộc một cách thực sự thông qua những bản hợp đồng mua bán thương quyền có giá trị lớn hơn.