Số phụ nữ đứng tên chủ hộ và các tài sản giá trị tăng đáng kể, nhất là ở thành thị. Điều tra cho thấy gần 1/4 số người được hỏi khẳng định thu nhập của vợ nhiều hơn chồng.
Gần 3/4 số người được hỏi cho biết người giữ tiền trong nhà là vợ. Đây là kết quả điều tra của nhóm tác giả Đại học Văn Hóa (Hà Nội) trên 1.000 người, công bố tại Hội thảo về thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Phụ nữ ngày càng bình đẳng với nam giới trong việc đóng góp và chi tiêu trong gia đình. Ảnh minh họa: Internet.
Sự bình đẳng của phụ nữ trong gia đình cũng thể hiện qua việc xã hội cởi mở hơn khi nhìn nhận về quan hệ tình dục trước hôn nhân của họ. Trước đây, người phụ nữ sẽ bị coi là thất đức nếu như có quan hệ trước. Hiện nay, một tỉ lệ không nhỏ chấp nhận chuyện "ăn cơm trước kẻng", và tuy tỉ lệ chấp nhận nữ "vượt rào" thấp hơn so với nam nhưng cũng cho thấy sự thay đổi lớn. Sự cởi mở này cũng tương tự về quan niệm tình dục ngoài hôn nhân.
Vị thế người phụ nữ cao hơn còn được khẳng định trong việc đặt tên con. Những năm gần đây, họ hoặc tên của mẹ được đặt như một phần đệm trong tên con, ngay sau họ bố. Trong truyền thống, điều này không xảy ra.
Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn cao gấp 2 lần nam giới cũng thể hiện xu hướng chị em ngày càng tự chủ hơn khi quyết định những vấn đề quan trọng đời mình. Nó hoàn toàn khác với những quy định về việc cho phép người đàn ông bỏ vợ của Nho giáo.
Ngoài sự thay đổi trong ứng xử, vị thế của vợ chồng, thì gia đình Việt Nam hiện nay còn nhiều biến đổi khác. Ví dụ, ngoài gia đình hạt nhân (bố mẹ và đứa con) hay gia đình mở rộng (có nhiều thế hệ sống chung), còn có những kiểu gia đình mới như gia đình khuyết thiếu (bà mẹ đơn thân), gia đình sống thử, gia đình đồng giới...
Trong hội thảo lần này, cùng với việc phân tích các vấn đề gia đình Việt Nam trong thời đại mới, các chuyên gia cũng đề xuất thành lập ngành đào tạo gia đình học trong các trường thuộc lĩnh vực nghệ thuật, như Đại học Văn hóa.
"Từ trước tới nay, chúng ta mới quan tâm hạn chế sinh đẻ mà coi nhẹ văn hóa gia đình, tâm lý giáo dục trong mỗi nhà. Các mối quan hệ phức tạp trong gia đình, như mẹ chồng - nàng dâu, dù trên báo chí đề cập khá nhiều nhưng còn rất ít nghiên cứu khoa học thực sự quan tâm đến. Vì thế, việc ra đời một ngành chuyên nghiên cứu về gia đình là cần thiết", một chuyên gia thuộc Vụ Gia đình cho hay.