Đó là thực tế đầy thách thức của tổ chức Đảng tại các DN sau cổ phần hóa (CPH), thoái hết phần vốn Nhà nước. Giải quyết vướng mắc đó không chỉ có trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên, mà rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để tạo “lối đi riêng” cho mô hình còn mới mẻ này.
Bí thư cũng có thể bị sa thải
Từ tháng 4/2015, Tổng Công ty (TCT) Xây dựng công trình giao thông 1 chính thức thoái hết phần vốn Nhà nước. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT TCT Cấn Hồng Lai thẳng thắn chia sẻ: “Cũng may tôi là “người cũ”, được anh em tiếp tục tín nhiệm giữ trọng trách trên cả “hai vai” nên công tác Đảng tại đơn vị cũng còn khá nền nếp, chứ thực tế thấy nhiều khó khăn lắm. Trước đây, khi Nhà nước còn chi phối, vai trò của cấp ủy là lớn nhất, Đảng đề ra Nghị quyết, còn HĐQT sẽ cụ thể hóa những đường hướng ấy. Bây giờ thì ngược lại, đầu tiên phải HĐQT, mà cụ thể là các cổ đông sẽ đề ra các chủ trương phát triển, còn cấp ủy chỉ còn phối hợp thôi”. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nhà đầu tư bỏ tiền ra với mục đích cao nhất là lợi nhuận, làm sao vừa đơn giản hóa các hoạt động mà lại hiệu quả. Vì vậy, nhiều vấn đề quan trọng, nhất là công tác cán bộ vốn dĩ do cấp ủy “cầm trịch”, nhưng hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trong DN rơi vào tình trạng “làm cho có”, bởi các cổ đông mới giữ vai trò quyết định chính.
Nói về điều này, giám đốc đơn vị thành viên của một TCT sau CPH ngậm ngùi: “Mình là giám đốc, Bí thư Đảng ủy thật đấy, nhưng thực tế chỉ như “anh” làm thuê cho người ta mà thôi. “Ông chủ” không thích, đến ghế của mình còn chẳng giữ nổi, nói gì đến cán bộ cấp dưới đã được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt sau này”. Thậm chí tại không ít DN, vai trò của công đoàn, đoàn thanh niên còn... mạnh hơn cấp ủy, bởi nhà đầu tư thích hoạt động bề nổi, thích khuếch trương hình ảnh hơn. Có nơi, cổ đông nắm quyền chi phối yêu cầu phải tinh giản hết mức bộ máy, văn phòng Đảng ủy cũng phải gộp vào các phòng ban khác để tiết kiệm nhân lực, chi phí. Như ông Lai chia sẻ: “Trong tình hình mới này, vai trò cấp ủy phụ thuộc rất nhiều vào Chủ tịch HĐQT, nếu “quý” sẽ hoạt động tốt, còn không thì khó khăn lắm”.
Khi cấp ủy tròn vai
Tuy nhiên, không phải DN nào sau khi thoái hết phần vốn Nhà nước cũng khó khăn như vậy, thậm chí sau CPH, tổ chức Đảng vẫn thể hiện tốt vai trò, giúp DN phát triển mạnh hơn. Đảng ủy TCT Xây dựng công trình giao thông 4 (trực thuộc Thành ủy Hà Nội) là một điển hình. Từ ngày 1/6/2014, TCT chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà nước nắm 35% vốn điều lệ; từ ngày 10/12/2014, Nhà nước thoái hết phần vốn tại DN. Hiện, Đảng bộ có 29 tổ chức cơ sở Đảng, gồm 22 Đảng bộ và 7 chi bộ với 1.739 đảng viên; Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tổng Giám đốc, 1 Phó Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và 1 Phó Bí thư Thường trực chuyên trách công tác Đảng. Bên cạnh đó, Văn phòng Đảng ủy hoạt động tốt với 3 cán bộ chuyên trách. Theo Bí thư Đảng ủy Nguyễn Quang Vinh, ngay sau khi chuyển đổi mô hình, Đảng ủy nhanh chóng thay đổi phương thức lãnh đạo cùng với việc xây dựng quy chế phối hợp bài bản giữa Đảng ủy – HĐQT - Tổng Giám đốc. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, cấp ủy tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề và mở rộng dân chủ đến người lao động để mọi người cùng tham gia, góp ý, cùng đưa ra những cách làm, biện pháp thi công hợp lý nhất. Đối với công tác cán bộ hay định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy đều chủ động đóng góp ý kiến cùng HĐQT, Tổng Giám đốc. “Nếu Đảng hoạt động tốt, hiệu quả, các cổ đông sẽ ủng hộ ngay. Tại một số dự án do TCT liên doanh với nhà thầu Nhật Bản, họ “điểm” ra những người giỏi đều là đảng viên cả. Và nếu mỗi đảng viên đều có trình độ, gương mẫu, trách nhiệm cả thì ai mà không thích” - ông Vinh chia sẻ. Nhờ sự cộng đồng trách nhiệm như vậy nên sau một năm chuyển đổi mô hình, TCT vẫn giữ nhịp phát triển, đời sống người lao động tiếp tục được nâng cao. Quý I/2016, TCT đạt doanh thu trên 2.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 8,6 triệu đồng/người/tháng, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, trong khi Thành ủy đang rất “bí” để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong các DN thoái hết phần vốn Nhà nước thì hiệu quả hoạt động của Đảng ủy TCT Xây dựng công trình giao thông 4 là một hình mẫu hay để áp dụng cho các đơn vị khác. Tái cơ cấu, CPH và thoái hết phần vốn Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, nhưng không vì thế mà giảm vai trò cấp ủy trong DN. Quan trọng là cơ chế, cách thức hoạt động thế nào cho phù hợp. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết, tới đây, Thành ủy sẽ nghiên cứu, xây dựng “lối đi” cho mô hình này để vừa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa tiếp sức cho DN chuyển đổi hoạt động hiệu quả, bền vững hơn.
Đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn làm việc với Đảng ủy Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 ngày 5/4/2016. Ảnh: Quốc Toản
|