Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa cà phê và những câu chuyện kể về Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong chuỗi các hoạt động và sự kiện truyền cảm hứng, tôn vinh sự sáng tạo và văn hóa của Việt Nam, chiều 8/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi diễn thuyết “Hà Nội: Văn hóa, cà phê và sáng tạo”. Thông qua chương trình, công chúng Thủ đô thấy được những không gian cà phê đậm chất văn hóa của Hà Nội.

Quang cảnh buổi diễn thuyết ''Hà Nội: Văn hóa, cà phê và sáng tạo''. Ảnh: Lại Tấn
Không gian văn hóa sáng tạo
Văn hóa cà phê Hà Nội không rõ có từ bao giờ nhưng ở Hà Nội những con phố như Trần Nhật Duật, Triệu Việt Vương, Đinh Lễ… từ lâu đã được định danh là phố cà phê. Qua nhiều năm tháng, mô hình cửa hàng cà phê ở Hà Nội ngày càng đa dạng, không chỉ còn những cửa hàng cà phê ở một góc vỉa hè như tại ngã tư Tô Hiến Thành - Bà Triệu mà còn hiện diện ở những khu chung cư, tòa nhà cao tầng.
Cùng với đó, Hà Nội lại xuất hiện nhiều chuỗi thương hiệu cà phê nổi tiếng Cộng, Aha, Kandi, Kafa cạnh tranh với một số thương hiệu ngoại như Starbucks, Highland Coffee… Xét ở góc độ kinh tế, có thể thấy, hoạt động của các quán cà phê ở Hà Nội luôn sôi động, có nhiều đổi mới thu hút khách du lịch và giới trẻ.

Ngoài những không gian mới, hiện đại, Hà Nội xuất hiện nhiều cửa hàng lựa chọn phong cách thiết kế, không gian tái hiện văn hóa Hà thành xưa. Có thể kể đến một số thương hiệu như: Ơ kìa Hà Nội (tại Hoàng Hoa Thám), Manzi (Phan Huy Ích), cà phê Bao Cấp, Cộng hay mới đây là cửa hàng cà phê Ban Công (Đinh Liệt).
Tại buổi diễn thuyết, anh Nguyễn Hữu Khôi - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia chia sẻ: “Hiện nay, Hà Nội có hơn 100 không gian cà phê sáng tạo. Với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế, các không gian này đã tạo ra môi trường kết nối những người trong lĩnh vực văn hóa, từ đó hình thành và hiện thực hóa ý tưởng, tạo cơ hội kinh doanh và phát triển kinh tế ở Thủ đô”.

Ðiểm chung của những không gian này là luôn được đề cao các hoạt động văn hóa có tính tương tác, sáng tạo, một số nơi tập trung vào chuyên đề như mỹ thuật, âm nhạc, thiết kế. Qua đó, công chúng bình dân cũng có thể tiếp cận âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh. Đơn cử như “Ơ kìa Hà Nội” thường xuyên tổ chức tọa đàm, biểu diễn nhân kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, tọa đàm về thơ Xuân Quỳnh, các buổi trò chuyện, chiếu tác phẩm điện ảnh kinh điển. Heritage Space là nơi tổ chức nhiều tọa đàm về nghệ thuật, kiến trúc, khoa học - công nghệ. Công chúng quan tâm có thể tham dự, được tương tác với nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư. Hay mới đây, không gian cà phê Manzi đã tổ chức triển lãm ảnh về Hà Nội 1967 - 1975 của Thomas Billhardt, kết nối những người yêu nhiếp ảnh Thủ đô.

Thúc đẩy sự phát triển

Cà phê Ban Công (số 2 Đinh Liệt) vốn là một căn nhà cũ, bị bỏ hoang nhiều năm. Nằm ở trung tâm phố cổ Hà Nội, căn nhà có kiến trúc cổ kính với nước vôi vàng, cửa gỗ xanh phủ đầy dấu ấn thời gian. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, sau khi căn nhà được một nhóm kiến trúc sư sửa chữa, sáng tạo không gian thiết kế đậm chất Hà Nội, trên khắp các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… ảnh về ngôi nhà này xuất hiện tràn ngập. Đến check in không chỉ là các bạn trẻ Việt Nam mà con là khách quốc tế.
Cũng theo anh Nguyễn Hữu Khôi: “Những người bạn ngoại quốc của tôi từng chia sẻ, họ sẽ không bỏ tiền đến Việt Nam để thưởng thức những tách cà phê của thương hiệu nổi tiếng như Starbucks, Highland… Chính những không gian cà phê đậm chất Hà Nội mới là nơi họ tìm đến để cảm nhận hương vị, không gian, văn hóa Hà thành”.

Có thể thấy, sau khi Hà Nội tham gia vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, những không gian sáng tạo đang ngày càng phát triển. Không gian sáng tạo đã tiếp sức hoạt động của nghệ sĩ, đồng thời giúp công chúng thêm cơ hội tiếp cận nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa. Từ góc độ kinh tế, không gian sáng tạo cũng góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển và tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động. Đối với Thủ đô, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các không gian sáng tạo đã góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hà Nội đến với đông đảo công chúng trong nước và khách quốc tế.