Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa doanh nghiệp: Đi tìm thương hiệu Việt

Nhật Minh – Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa DN đang gấp rút và đầy hối thúc trong hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày một sâu rộng, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và “lịch lãm”.

Thực tế, các DN Việt đã nỗ lực xây dựng cho mình một phong cách riêng, song như nhiều chuyên gia nhìn nhận: DN Việt còn thiếu một thương hiệu văn hóa DN để ghi dấu trên trường quốc tế.
Phong cách doanh nghiệp
7 giờ 30 phút sáng, ngày lễ cũng như ngày thường, các bộ phận đều răm rắp hội ý, phân công công việc trong ngày trước khi ai vào việc nấy. Đồng phục trắng – đỏ theo quy chuẩn của Honda Việt Nam, nhân viên đứng thành vòng tròn, hai tay bắt chéo phía trước, dáng người hơi cúi, lắng nghe trưởng bộ phận trao đổi nhanh công việc trong vòng 5 – 10 phút. Giải đáp về dáng đứng họp “hơi cam chịu” ấy, cánh thợ trẻ của Công ty TNHH TM Vũ Hoàng Lê cười: “Đấy là phong cách của người Nhật, thể hiện sự tôn trọng người nói và sự nghiêm túc trong công việc”. Chợt hiểu vì sao ở DN ấy toàn lao động trẻ mà ai nấy đều chung vẻ đĩnh đạc, chu đáo và biết lắng nghe khi giao tiếp với khách hàng; không cậu nào nói chuyện điện thoại khi tay đang cầm dụng cụ sửa chữa xe; không bạn nào tiện tay để dụng cụ làm việc sai nơi quy định hay làm bẩn sàn nhà để người khác phải dọn thay… Cũng từ đó mà hiểu vì sao chuỗi cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (HEAD) nơi nào cũng có, nhưng nhân viên Vũ Hoàng Lê luôn bận bịu từ sáng đến tối mịt; vì sao trong khi rất nhiều DN lao đao trước thị trường, Vũ Hoàng Lê vẫn duy trì đều đặn công việc, đảm bảo đời sống cho hơn 400 người lao động. Ông Hoàng Hồng Hà – Giám đốc Công ty không giấu: “Chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu vì sự hài lòng của khách hàng”.

Mỗi doanh nghiệp cần tạo lập chữ “tín” để tồn tại và phát triển. Ảnh: Chiến Công

Còn ở Công ty FPT, nhân viên luôn “bị” đòi hỏi cao và được khuyến khích về tinh thần sáng tạo trong mọi công việc. Đa số người làm ở FPT đều chấp nhận làm việc với áp lực công việc cao. Họ thường cố gắng làm hết việc chứ không phải làm hết giờ, đặc biệt lãnh đạo công ty thường làm 12 – 14 tiếng/ngày. Nhân viên luôn có thể trực tiếp gặp lãnh đạo bất cứ lúc nào để trao đổi và đề xuất ý kiến, cán bộ nhiều lần không hoàn thành kế hoạch đều có thể bị miễn nhiệm ngay lập tức. Người FPT ứng xử với nhau trên tinh thần đồng đội, đó là sự chia sẻ và chân tình... Giá trị cốt lõi để làm nên văn hoá FPT như ông Lê Đình Lộc – Trưởng Ban Văn hoá và Đoàn thể công ty chia sẻ, thể hiện qua 6 chữ vàng: “Tôn đổi đồng – Chí gương sáng”.
Có thể nói, giá trị cốt lõi là điều mà phần lớn DN chọn làm điểm tựa để xây dựng văn hoá DN. Ngay cả ở đơn vị sản xuất không “đóng đô” ở nơi đô hội là Công ty CP Kim loại màu Tuyên Quang cũng vậy. Cán bộ, nhân viên dù nhuốm trong bụi khai thác khoáng sản, nhưng luôn chung lòng hướng tới: Sản phẩm đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng. Giám đốc công ty Trần Long khẳng định: “Chúng tôi tập trung vào thế mạnh của mình để xây dựng văn hoá và thương hiệu của DN”. Hay tại Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, Ban lãnh đạo cùng hơn 1.600 cán bộ, nhân viên luôn đồng lòng hướng về mục tiêu chung: Sáng tạo – Thấu hiểu – Chuẩn mực. Theo ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT công ty, 3 giá trị cốt lõi đó được đặt lên hàng đầu trong sản xuất kinh doanh, đối nhân xử thế giữa đồng nghiệp với nhau, giữa quản lý với nhân viên, giữa SUNHOUSE với các đối tác.    Phải khẳng định, rất nhiều DN Việt đã xây dựng được cho mình văn hoá gắn với tên tuổi của đơn vị, tạo ra một phong cách riêng của người làm việc nơi đó.
Còn những “cặp đôi chưa hoàn hảo”
Văn hóa DN đã nhìn thấy tận mắt là vậy, song nếu đưa cái nhìn vượt qua biên giới sẽ thấy, khi nhắc tới DN Việt hoàn toàn chưa có dấu ấn văn hoá riêng mang bản sắc người Việt. Nếu nhắc đến người Nhật và DN Nhật, người ta cảm nhận ngay tới hai chữ “uy tín”, nhắc tới người Hàn Quốc là ấn tượng về “Tinh thần doanh nhân”... Nhưng với DN Việt thì chưa, mà như nhiều chuyên gia khẳng định: Đó là điều đặc biệt cần thiết trong buổi hội nhập kinh tế quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan từng đưa ra 7 “cặp đôi chưa hoàn hảo” trong văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt. Ấy là: Tài xoay xở, nhưng thiếu căn cơ; Rất dễ hứa hẹn, nhưng lại khó thực hiện; Một người thì giỏi, nhiều người thì kém; Giỏi thích nghi nhưng ít sáng tạo; Coi trọng hình thức nhưng không quan tâm đầy đủ đến thực chất; Tham cái nhỏ, bỏ cái lớn; Nổi tiếng về cần cù, nhưng lại thiếu tính kỷ luật trong sản xuất, kinh doanh. Đây quả thật là những mặt được và chưa được, tích cực và tiêu cực trong văn hoá DN Việt mà bản thân người Việt phải thẳng thắn thừa nhận để “thức tỉnh”.
Và ngay cả trong nỗ lực xây dựng văn hoá DN hiện tại cũng có thể nhận ra, với nhiều đơn vị dường như đó là một chiếc áo màu mè để tô điểm cho thêm sang. Thế nên nhiều đơn vị mới chỉ dừng ở bề nổi với những phong trào, nghi lễ, nghi thức, những cách báo cáo, hay ngôn ngữ giao tiếp, trang phục... Còn “phần chìm” – cốt lõi quan trọng nhất của DN là niềm tin, trách nhiệm, tiêu chuẩn, quy tụ sức mạnh tập thể... lại chưa được thực hiện bài bản. Hay ở góc nhìn của một người tâm huyết với văn hoá, GS Hoàng Chương – Tổng giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc Việt Nam nhìn nhận, vẫn còn cách hiểu lệch về văn hóa DN, ở đó người ta mới để tâm nhiều đến văn hóa cạnh tranh trong kinh doanh, mà thiếu sự quan tâm dành cho đời sống văn hóa. “Văn hóa doanh nhân không đơn thuần là văn hoá để mà chỉ lo vấn đề làm kinh tế, cạnh tranh DN, mà thực chất phải là văn hóa trong cuộc sống của DN” – GS Chương nhấn mạnh.
Bắt đầu từ chữ “tín”
Không ít bàn tròn đã mở ra để đi tìm yếu tố cốt yếu làm nên văn hóa DN và thương hiệu văn hoá DN Việt. Không chỉ các chuyên gia kinh tế, chuyên gia văn hóa, mà ngay cả các ông chủ DN cũng thừa nhận, nếu không dựa vào chiến lược kinh doanh để thiết kế văn hóa DN thì cái gọi là “văn hóa DN” của hầu hết các đơn vị đều na ná nhau. Nếu chiến lược phát triển của một DN là cung cấp cho thị trường những sản phẩm giàu tính sáng tạo, mới, độc đáo..., thì văn hóa DN cần đề cao sự sáng tạo, cởi mở, lắng nghe, thấu hiểu.
Đặc biệt, để tạo dựng điểm nhấn làm thương hiệu cho văn hóa DN Việt, giới làm kinh doanh cần chú tâm khắc phục điểm yếu về “chữ tín”, sau đó là “tính liên kết”. Bà Nguyễn Thị Oanh – Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị Văn phòng phẩm Hoàng Minh bày tỏ: Tránh nói đến xây dựng văn hóa DN chung chung, hoặc mỗi DN theo một tinh thần khác nhau, mà cần xây dựng một bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong DN mang tầm quốc tế một cách chuẩn mực để lan tỏa ra cộng đồng DN Việt. Và mỗi lãnh đạo DN cần xem việc xây dựng uy tín cá nhân, uy tín DN ra thế giới như một nhiệm vụ chính trị và nhân rộng ra trong cả giới doanh nhân Việt ở nước ngoài… Như vậy, Việt Nam sẽ có được uy tín DN trên trường quốc tế. Ở đây vai trò “cầm cương” của người lãnh đạo cũng được đề cao để tạo nên “bầu khí quyển văn hóa” trong lành trong DN của mình. Vì “Một doanh nhân có nếp sống phù hợp, sẽ góp phần tạo nên một văn hóa DN phù hợp” – GS Hoàng Chương quả quyết.
Không phủ nhận, xây dựng văn hóa DN là công việc lâu dài, phức tạp. Các nước phương Tây phải mất hàng trăm năm, các “con rồng châu Á” cũng phải mất từ vài chục đến 100 năm. Nhưng đó là công việc nhất thiết phải làm, bởi chỉ khi xây dựng thành công văn hóa DN, kinh tế Việt mới tìm thấy nhiều cơ hội cất cánh.
Với tinh thần Chính phủ kiến tạo xây dựng văn hóa DN sẽ quyết định niềm tin nơi người lao động. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, DN nào xây dựng được văn hóa DN tốt sẽ thành công vì khi đó DN sẽ thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với chính người lao động, người tiêu dùng… từ đó nâng tầm thương hiệu, uy tín, hình ảnh cho chính DN mình.
GS.TS Phan Đăng Tuất
 Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam 

Chữ tín với người lao động, với đối tác, với người tiêu dùng là cốt lõi tạo nên thương hiệu, đó là văn hóa của DN để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.
 Bà Nguyễn Thị Kim Oanh
  Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Dệt may và du lịch Bình Anh