Trong đó mục tiêu được Chính phủ đặt ra là kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, đặc biệt là phải xây dựng được văn hóa giao thông đến mọi người dân cũng như người thực thi công vụ. Nhân Tháng ATGT, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt.
Xe ô tô đâm liên hoàn trên đường Huỳnh Thúc Kháng sáng 19/9. Ảnh: Đức Giang |
Thực tế khi nhắc đến ùn tắc và tai nạn giao thông người ta nghĩ ngay đến ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn kém. Vậy, theo ông làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông đến mọi người dân? - Một đất nước có văn hóa, trước hết mọi người phải tuân thủ pháp luật. Với pháp luật giao thông không phải hai phía mà là nhiều phía. Ví dụ, với công dân, khi tham gia giao thông cần phải chấp hành biển báo, đèn tín hiệu, quy tắc giao thông; Người làm vận tải có văn hóa phục vụ, không chở quá người, không vì lợi ích kinh tế, có đạo đức lái xe, đạo đức nghề nghiệp. Một lái xe ô tô chạy từ Bắc vào Nam mà liên tục vi phạm, tức là không có văn hóa… Do đó, người tham gia giao thông khi ra đường thì nên nhường nhịn nhau, phải có tính cộng đồng. Mỗi người dân trước hết phải tôn trọng pháp luật, quy tắc giao thông, không chen ngang, tạt đầu, sau là tôn trọng mọi người, mới là có văn hóa. Nếu không nghĩ như vậy, không giải quyết được ùn tắc, khó hạn chế TNGT. Đường sá, tổ chức giao thông là một việc nhưng con người cứ không nhường nhau thì khó mà có trật tự, kỷ cương giao thông. Ở nước ta còn có nhiều tình huống khi va chạm thì quay ra đối xử với nhau như kẻ thù. Thậm chí khi tai nạn xảy ra không cứu giúp người bị nạn. Đây là vấn đề trách nhiệm giữa con người với con người đã bị coi nhẹ. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người đều hiểu và có văn hóa giao thông. Theo ông, xây dựng văn hóa giao thông đối với người thực thi công vụ cần phải bắt đầu từ đâu? Đối với người thừa hành công vụ, có CSGT, CSTT, Thanh tra GTVT, công an xã, phường… Đặc biệt như CSGT được giao nhiều nhiệm vụ hơn những lực lượng khác, tiếp xúc nhiều hơn với dân thì càng phải có văn hóa. Họ được điều chỉnh bởi quy trình, quy phạm, chức trách, Luật Công chức, được làm gì và không được làm gì… Ví dụ, khi tiếp xúc với người dân đi đăng ký xe, ngoài những quy định của pháp luật, cần bố trí chỗ ngồi, bảng hướng dẫn, trích dẫn quy định, trả lời tận tình những câu hỏi, cho dù đã có thông tin trên bảng… lời nói nhã nhặn, lễ phép, tiếp xúc với dân phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Những năm gần đây, xảy ra không ít vụ chống lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Ông có cho rằng, một phần nguyên nhân do thái độ, tác phong tiếp xúc với người dân của một số cán bộ công quyền chưa đúng mực? - 8 năm qua, đã có 11 đồng chí CSGT hy sinh, 152 CSGT bị thương, trong đó riêng năm 2011, tăng 200% số các vụ chống đối. 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 24 vụ, làm 8 CSGT bị thương. Có những hành vi vi phạm rất giản đơn như không đội mũ bảo hiểm nhưng đối tượng khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra vẫn không chấp hành, còn lao thẳng xe vào công an. Trong thực tế, không thể tránh được việc chỗ này, chỗ khác có cán bộ chiến sĩ có hành xử, giao tiếp không đúng mực. Nhưng quan điểm của tôi, đã là nhân dân, người tham gia giao thông, trước hết là phải tuân thủ luật giao thông, có văn hóa khi đi đường. Còn CSGT là người được giao thừa hành công vụ, được xã hội công nhận, người tham gia giao thông tôn trọng họ, cũng là tôn trọng pháp luật. Họ làm sai, có thể khiếu nại, tố cáo, chứ không nên có hành vi chống lại người thực thi công vụ. Vậy theo ông, để người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông thì vai trò của người CSGT thể hiện như thế nào? - Luật Giao thông đường bộ quy định rõ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục của Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT… để người dân được lĩnh hội, hiểu, như vậy mới giảm vi phạm, giảm thương vong. Theo tôi, để tuyên truyền được sâu, rộng cần đưa vào nhà trường, quy định thành môn giáo dục bắt buộc, có như vậy mới tạo ra nền tảng xây dựng văn hóa giao thông. Còn đối với CSGT, thực thi đúng trách nhiệm, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo trật tự ATGT, cũng là góp phần ổn định, phát triển xã hội, bớt gánh nặng cho xã hội. Chẳng hạn giảm thương vong, giảm gánh nặng cho y tế. Đồng bộ các biện pháp, cả hệ thống chính trị vào cuộc, hạ tầng giao thông tốt lên, tổ chức giao thông hợp lý, giáo dục trong gia đình, trường học cho đến khâu tổ chức giao thông. Với CSGT cũng cần có văn hóa, tăng cường tập huấn, giáo dục. Đối với lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường, có kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, công cụ hỗ trợ. Khi có vi phạm thì nói rõ, ngắn gọn hành vi vi phạm, trích dẫn luật, lỗi nào phạt tiền, lỗi nào phạt bổ sung, không đặt vấn đề giải thích nhiều, tránh tạo tâm lý đám đông. Xin cảm ơn ông!