Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc quản lý "gần như bị buông lỏng" đối với các cơ sở in, chưa có khung pháp lý nhất định nên nạn in lậu tràn lan, đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo "Đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội" do Ban chỉ đạo 127 Hà Nội tổ chức ngày 13/11.

Sách lậu tung hoành

Đường Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy), phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ... là những nơi bày bán tràn lan các loại sách in lậu, kể cả những cuốn sách đã bị thu hồi như: Sợi xích, Sát thủ đầu mưng mủ… Một số chủ sạp bán sách cho biết, nguồn sách này một phần là sách in thừa từ các Nhà xuất bản (NXB) "tuồn" ra ngoài, nhưng đa phần là sách in lậu, in nối bản. Đây chính là nguyên nhân khiến sách bán ở vỉa hè luôn rẻ hơn giá bán tại các hiệu sách từ 10 - 20%, thậm chí có cuốn giá giảm tới 40 - 50%.
 

Vẫn loay hoay tìm giải pháp - Ảnh 1
Sách in lậu được bày bán công khai tại nhiều nơi ở Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: Không chỉ dừng lại ở việc in lậu những ấn phẩm đã được cấp phép, dân in sách lậu còn chọn một số sách nước ngoài mà các đơn vị xuất bản khác đã mua bản quyền bán ra ngoài thị trường, chỉnh sửa lại bản dịch đôi chút, thay tựa mới, xin giấy phép ở NXB khác. Thậm chí có những cuốn sách bị giới in lậu "hớt tay trên" khi chưa kịp ra mắt công chúng.

Việc in lậu sách đa dạng như vậy đã gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng chức năng, bởi mỗi ngày có hàng trăm đầu sách được xuất bản nên việc phát hiện những đầu sách in lậu kiểu này rất khó nhận biết.

Thiếu cơ chế

Mặc dù hoạt động in lậu sách đã trở thành vấn nạn nhưng việc tìm giải pháp chống sách lậu đang là một thách thức đối với các nhà quản lý.Theo ông Bùi Doan Nê, Chủ tịch Hội in Hà Nội: Một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện cho nạn in lậu, in quá số lượng để tuồn ra ngoài gia tăng là do giá sách, mức chiết khấu cho các đại lý bị đẩy lên cao. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các NXB. Bên cạnh đó, việc tạo cơ chế thông thoáng trong hoạt động in ấn khiến lượng nhà in tăng mạnh. Riêng địa bàn Hà Nội đã có trên 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp cũng là nguyên nhân khiến tình trạng in sách lậu tràn lan.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội: Việc kiểm tra, ngăn chặn hoạt động này cũng đang gặp nhiều khó khăn do thể chế quản lý không thống nhất, không đủ mạnh. Hiện khung hình phạt xử lý vi phạm hành chính đối với những vi phạm này cao nhất là 40 triệu đồng; xử lý hình sự cao nhất cũng chỉ phạt 1 năm tù giam nên không đủ sức răn đe.

Để hạn chế tình trạng in lậu sách, ông Phạm Trung Thông, Tổ trưởng Thường trực Đoàn thanh tra liên ngành phòng, chống in lậu T.Ư đề xuất,  phải công khai hóa việc in ấn sách đến các lực lượng chức năng trong việc phối hợp giải quyết. Mọi sai phạm đều phải được xử phạt mạnh tay hơn nữa, thậm chí tịch thu cả máy in, rút giấy phép hoạt động. Nhà nước cần đưa ra quy định phạm vi hoạt động cho các NXB. Không nên để NXB nào cũng có thể in đủ mọi loại sách như hiện nay, trong khi mỗi NXB chỉ có một đặc thù, thế mạnh nhất định.

Từ thực tiễn đối phó với nạn sách lậu ở Hà Nội và TP. HCM cho thấy, việc thiếu cơ chế phối hợp dẫn đến tình trạng khi phát hiện sách lậu, lực lượng chức năng ngoài việc thu hồi chỉ có thể gửi công văn đề nghị đến cơ quan chủ quản của NXB có ấn phẩm xử lý. Một số nhà sách đã chủ động đưa ra biện pháp để tránh tình trạng sách lậu như dán tem dạ quang để chống giả, những việc làm đó cũng chỉ  có tính chất tạm thời vì hiện tem chống giả cũng dễ dàng bị… làm giả. Điều đó cho thấy, các ngành và cả NXB cũng đang loay hay trong "ma trận" chống sách lậu và sách lậu vẫn có điều kiện tung hoành.