KTĐT - Kể từ 1/6, quy định một tổ chức không được sở hữu đồng thời quá 20% ở 2 mạng di động sẽ có hiệu lực. Như vậy, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) phải đối mặt với việc giải bài toán thoái vốn và nhiều vấn đề khác xoay quanh. Tuy nhiên, đến thời điểm này lời giải cho bài toán trên vẫn còn bỏ ngỏ?
Hướng đến thị trường cạnh tranh lành mạnh
Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng cho biết: Nghị định 25 ra đời là hướng đến một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam theo hướng tăng cường hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý Nhà nước. Vì vậy, những quy định của Nghị định 25 chắc chắn sẽ có sự tác động đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp viễn thông mà VNPT không phải là ngoại lệ. Là một doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực BCVT- CNTT, khi triển khai Nghị định 25, VNPT sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật bằng những phương án tổ chức kinh doanh phù hợp và luôn hướng đến mục tiêu đảm bảo các lợi ích của Nhà nước, xã hội và ngườilao động. Chính vì thế, VNPT đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bài toán khó
Trả lời về phương án thoái vốn tại MobiFone hoặc VinaPhone theo Nghị định 25 của Chính phủ, một lãnh đạo cấp cao của VNPT đã hé lộ 3 khả năng xử lý câu chuyện sở hữu vốn tại một trong 2 doanh nghiệp di động con của mình, có thể xảy ra. Thứ nhất, VNPT sẽ thực hiện vụ sáp nhập đầu tiên trong lịch sử viễn thông di động giữa MobiFone và VinaPhone. Như vậy, việc thoái vốn sẽ không xảy ra. Thứ hai, cổ phần hóa MobiFone theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và sau đó thoái vốn tại doanh nghiệp này xuống còn 20%. Phương án thứ ba mới được tính tới là cổ phần hóa toàn bộ VNPT.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, phương án thứ hai là hướng đi mà VNPT ít muốn thực hiện nhất. Thực tế, chủ trương này đã có từ nhiều năm nay mà vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, các điều kiện cần cho việc tiến hành như chọn tư vấn nước ngoài, định giá doanh nghiệp, đưa ra kế hoạch cổ phần hóa cuối cùng đã hoàn tất. Với phương án sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ gây khó khăn lớn cho các công ty di động khác, bởi khi đó công ty được sáp nhập này sẽ chi phối thị trường thông tin di động, đưa người tiêu dùng trở lại thời độc quyền. Còn với phương án cổ phần hóa toàn bộ VNPT, điều này mới xuất hiện khi Nghị định 25 ra đời. Trước đó, tập đoàn này chưa từng có ý định cổ phần hóa toàn bộ bởi đây là một biện pháp cách mạng chưa từng xảy ra trong lịch sử cổ phần hóa tại Việt
Còn theo Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải: "Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản yêu cầu VNPT tự chủ động đề xuất lộ trình thoái vốn ở MobiFone hoặc VinaPhone. Trên cơ sở các phương án đề xuất của VNPT, Bộ sẽ thẩm định trình lên Thủ tướng phê duyệt lộ trình thực hiện. Tôi cũng không thể biết cụ thể lộ trình là bao lâu…"
Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cho rằng: Việc nhiều nhà tư vấn đưa ra ý kiến nên cổ phần hoá MobiFone hay hợp nhất hai mạng VinaPhone và Mobiephone cũng nằm trong những giải pháp nhằm tái cấu trúc mà Hội đồng thành viên VNPT đang đề xuất với trách nhiệm quản lý vốn của Nhà nước tại VNPT. Hiện VNPT đang đưa ra những kiến nghị và giải pháp tốt nhất. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao bảo vệ lợi ích quốc gia.
Mobiphone, Vinaphonevà câu chuyện của VNPT giải quyết 2 mạng trên thế nào chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, mấu chốt của việc ra đời Nghị định 25 là hướng đến một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lợi ích quốc gia đó là điều đáng mừng.