Kinhtedothi - Sáng 6/6, Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Lấy phiếu một lần mỗi nhiệm kỳ
Theo Trưởng Ban công tác ĐB Nguyễn Thị Nương, UBTV Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ; đồng thời tạo được cơ chế giúp người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác… Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và nhiệm kỳ HĐND 2011 - 2016, vẫn tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi thảo luận tổ của đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Vũ Minh
|
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung cả các chức danh giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội như tổng giám đốc các tổng công ty, tập đoàn 100% vốn Nhà nước; thủ trưởng tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện… Tuy nhiên, UBTV Quốc hội đề nghị giữ đối tượng lấy phiếu tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng tán thành quan điểm này.
Về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, UBTV Quốc hội đề nghị phiếu tín nhiệm vẫn nên để ở 3 mức "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp" như quy định của Nghị quyết số 35. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong số các căn cứ cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với phương án này. Việc xác định 3 mức tín nhiệm bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp với đặc điểm công tác cán bộ ở nước ta. Tuy nhiên, tùy theo kết quả công tác, hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức, lối sống của mỗi người mà mức độ tín nhiệm ở từng thời điểm có thể khác nhau. Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể coi như bước kiểm tra lại mức độ tín nhiệm mà ĐB Quốc hội, ĐB HĐND đối với người giữ chức vụ. Còn trong bước bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB phải thể hiện rõ thái độ "tín nhiệm" hay "không tín nhiệm", đây chính là điểm khác biệt giữa 2 quy trình. Riêng đối với người có trên 2/3 tổng số ĐB đánh giá "tín nhiệm thấp" thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ.
Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh
Thảo luận tại tổ về các nội dung trên, ĐB Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thống nhất với ý kiến UBTV Quốc hội đưa ra là lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ 3, ĐB Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) lý giải: Việc lấy phiếu để giúp đánh giá cán bộ trong cả nhiệm kỳ và là cơ sở để bổ nhiệm tiếp. Việc lấy phiếu mỗi năm một lần, nếu duy trì tốt thì không sao, nhưng nếu làm không tốt có thể gây ra sự lạm dụng. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) và một số ĐB khác lại cho rằng: Nên lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ, năm đầu và năm cuối nhiệm kỳ. Năm đầu để xem sự lựa chọn cán bộ có đúng không và là điều kiện để cán bộ tự căn chỉnh bản thân, tạo sự chuyển biến trong công tác; năm cuối để khẳng định phẩm chất, năng lực, cán bộ và cơ sở đánh giá cho nhiệm kỳ sau. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm của năm thứ 2 nhiệm kỳ, lần hai là vào kỳ họp cuối của năm thứ 4. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, một năm đã thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình trong điều hành và ĐB bao giờ cũng nhìn một cách tổng quát về năng lực của người được lấy phiếu. Còn nếu để tới năm thứ 3 của nhiệm kỳ mới lấy thì là muộn.
Về mức tín nhiệm cũng có sự nhìn nhận khác nhau. ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) cho rằng: Nếu để 3 mức, không phân biệt được thế nào là tín nhiệm cao và tín nhiệm, do đó cũng không đánh giá cán bộ có đáp ứng được yêu cầu Quốc hội và HĐND giao hay không. Do đó, nên để 2 mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" để đáp ứng yêu cầu chung và đúng như mong muốn của cử tri. ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị chỉ nên để 2 mức đánh giá tín nhiệm, đó là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Tuy nhiên, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) lại nhận định: Nếu để 2 mức sẽ trùng với bỏ phiếu. Đúng như UBTV Quốc hội lý giải, lấy phiếu tín nhiệm là bước để đánh giá cán bộ và thực tế vừa qua rất có giá trị để cán bộ nhận thức đúng về chức trách của mình.
Góp ý về các nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần hiểu đúng mục đích của việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu chỉ là một kênh để đánh giá, thăm dò tín nhiệm cán bộ, một bước để tiến tới bỏ phiếu. Do đó, trước mắt nên quy định như UBTV Quốc hội đã đưa ra. Sau đó, nếu cần sẽ tiếp tục có sự đánh giá, bổ sung, điều chỉnh cho hoàn thiện. Về "hậu lấy phiếu", nhiều ý kiến đề xuất nếu phiếu tín nhiệm thấp quá bán nên bỏ phiếu tín nhiệm ngay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: "Việc gì phải đặt ra mức 2/3 nữa. Theo tôi, cứ quá bán nên từ chức, còn không từ chức thì bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Bỏ phiếu xong làm thủ tục miễn nhiệm, lúc đấy có người thay thế thì quyền lực Nhà nước được đảm bảo thường xuyên".
Phó Trưởng đoàn Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà: Nên ban hành Nghị quyết mới
Khi Đoàn Quốc hội TP Hà Nội lấy ý kiến lãnh đạo các quận, huyện về việc sửa đổi Nghị quyết này, 100% lãnh đạo UBND đề nghị mở rộng đối tượng tới lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và mỗi năm lấy phiếu một lần. Do đó, đề nghị nên mở rộng đối tượng. Thực tế, thủ trưởng các cơ quan của UBND dù không là thành viên UBND, nhưng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, rất cần đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ việc mở rộng đối tượng này, nên ban hành Nghị quyết mới, có tên: Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội và HĐND các cấp và điều cuối cùng của Nghị quyết nên ghi là Nghị quyết này thay thế Nghị quyết 35 và các văn bản liên quan.
|