Sở sẽ xây dựng bài thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch này để phổ biến đến các doanh nghiệp lữ hành, lựa chọn một số cơ sở mua sắm để xếp hạng "Dịch vụ mua sắm đạt chuẩn". Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở sản xuất và các cửa hàng phục vụ khách du lịch tại Vạn Phúc…
Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc sẽ kết hợp với các công ty du lịch tổ chức đưa khách tham quan, giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của làng nghề tới công chúng trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với tiềm năng du lịch phong phú, nằm gần trung tâm thành phố Hà Nội, có khả năng thu hút khách du lịch tới tham quan, Vạn Phúc luôn coi du lịch là một trong những hướng phát triển chính, nhưng hiện tại Vạn Phúc vẫn chưa thu hút nhiều khách. Nguyên nhân là do nhận thức về du lịch của người dân còn hạn chế, hạ tầng chưa đảm bảo, các dịch vụ du lịch còn đơn giản, không có tính chuyên nghiệp. Để đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói này cần sự hợp tác đầu tư và giúp đỡ của nhiều ban, ngành, đoàn thể.
Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Vạn Phúc hiện có khoảng 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 27 tỷ đồng).
Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ đến đây làm việc. Cùng với hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, nơi này còn hình thành hàng trăm cửa hàng kinh doanh hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.