Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn sử dụng chứng minh nhân dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại cuộc họp báo về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, PV báo Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn và đại diện Bộ Công an xung quanh việc cấp mã số định danh cho công dân.

 
- Xin hỏi Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, mục tiêu của đề án và hiệu quả mà đề án này mang lại là gì?

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Hiện nay một người dân có khoảng 20 loại giấy tờ, khi làm thủ tục khai báo phải thực hiện rất nhiều thủ tục như xuất trình bản sao có chứng thực, bản sao kèm bản chính để đối chiếu… Các thủ tục này rất phức tạp và tốn kém, khi mất cần cấp lại cũng rất vất vả. Vì vậy, Đề án sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm thiểu nhiều loại giấy tờ công dân. Đồng thời cũng giảm chi phí đầu tư cho việc duy trì các thông tin trùng lặp tại các cơ sở dữ liệu, tiết kiệm được khoảng 1.600 tỷ đồng/năm cho việc thực hiện TTHC.

Vẫn sử dụng chứng minh nhân dân - Ảnh 1

Đại diện các Bộ, ngành tại buổi họp báo.

 

- Vậy tiến trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Đề án đã nêu rõ Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao để xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai cấp số định danh cá nhân, đảm bảo hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016 sẽ thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia và cấp số định danh cá nhân.

- Việc cấp số định danh cá nhân sẽ được thực hiện theo nguyên tắc nào? Thông tin cá nhân của người dân sẽ được bảo mật như thế nào?

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự  an toàn xã hội, Bộ Công an: Việc cấp số định danh công dân sẽ gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp cho người dân từ khi sinh ra đến khi mất. Nguyên tắc cấp số định danh dựa trên thuật toán về cấp số định danh tự động, dựa trên dữ liệu của từng công dân mà mỗi người sẽ có một mã số riêng. Và cũng vì đây là hệ thống tự động nên sẽ không có việc người dân chọn số đẹp, số xấu. Về việc bảo mật thông tin đời tư của công dân cũng đã được tính đến. Sẽ có cơ chế phân cấp chia sẻ thông tin, quy định về khai thác các dữ liệu này để đảm bảo đời tư cá nhân của công dân.

- Sau khi áp dụng mã số định danh thì người dân có thể giảm bớt các loại giấy tờ nào?

Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Số định danh cá nhân sẽ thay thế các giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan. Người dân sẽ không cần thiết phải mang theo các giấy tờ này. Trước đây trách nhiệm chứng minh nhân thân thuộc về người dân nhưng tới đây trách nhiệm này sẽ thuộc về các cơ quan. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bỏ giấy Chứng minh nhân dân (CMND). Trong Đề án có hướng tới việc sử dụng thẻ căn cước tích hợp nhiều ứng dụng thay thế CMND nhưng hạ tầng kỹ thuật hiện nay chưa đáp ứng được nên vẫn chưa có phượng tiện  nào hiệu quả và an toàn hơn nên sẽ tiếp tục duy trì CMND là giấy tờ tùy thân.

Xin cám ơn hai ông!