CPI sẽ giảm tháng thứ 2 liên tiếp? Cơ sở cho các nhận định này, theo cơ quan quản lý giá, giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ trong tháng 4. Trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động; giá một số loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm (lương thực, thực phẩm, đường...), giá dầu diêzen, madut, dầu hỏa và LPG được điều chỉnh giảm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2014. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, chương trình bình ổn thị trường năm 2014 tiếp tục triển khai tại địa phương nhất là tại TP HCM sẽ góp phần bình ổn thị trường giá cả. Cơ quan quản lý giá cho biết thêm, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, trong tháng 4/2014 cũng có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá như tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn; khô hạn đang diễn ra tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất. Giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng trong các dịp Lễ: Giỗ Tổ, dịp 30/4, 1/5, thời tiết chuyển mùa… Tuy nhiên, bù trừ các yếu tố, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2014 có thể vẫn giảm tiếp, tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn so với mức tháng 3/2014. Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng 2/2014. Đây cũng là tháng có chỉ số giá giảm sâu nhất so với chỉ số giá cùng kỳ tháng 3 từ năm 2007 đến nay. Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát Về thời gian còn lại của năm 2014, cơ quan quản lý giá dẫn lại nhận định của ngân hàng HSBC trong Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2014. Theo đó, HSBC đã hạ dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2014 từ mức 7,3% xuống còn 6,5% do nhu cầu tiêu dùng nội địa duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá cho biết năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp. Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, than cho sản xuất điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục... cũng sẽ có tác động đến chỉ số giá chung. Theo đó, ngay trong quý I/2014, có 9 tỉnh, thành phố trên cả nước đã gửi quyết định điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt đến Bộ Tài chính là: Khánh Hòa, Yên Bái, Bình Thuận, Hà Giang, Cà Mau, Phú Yên, Kiên Giang, Đà Nẵng, Kon Tum. Mức điều chỉnh tăng giá của các tỉnh trên từ 500-2.400 đồng/m3. Tuy nhiên, mức giá tiêu thụ nước sạch cho mục đích sinh hoạt của các tỉnh đều nằm trong khung giá tiêu thụ nước sạch do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012. Dự kiến vào tháng 6 tới, TP HCM sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, và vào mùa khai giảng năm học mới 2014 – 2015, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này sẽ điều chỉnh tiếp giá dịch vụ giáo dục. Ngoài ra, một số tỉnh thành phố khác cũng dự kiến sẽ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục như Quảng Ngãi, Trà Vinh, Lào Cai. Trên thị trường thế giới, giá cả hàng hóa trong năm 2014 dự báo nhìn chung sẽ ổn định khi nhu cầu được cải thiện hơn mặc dù những biến động bất ngờ như điều kiện khí hậu bất lợi và xung đột địa chính trị (Ukraine và bán đảo Cremia), gây xáo trộn nguồn cung. Theo nhận định của Ngân hàng thế giới, giá nhóm hàng năng lượng năm 2014 tăng nhẹ so với năm 2013 (chỉ số giá năng lượng năm 2013 là 128,5%, năm 2014 dự kiến ở mức 129,5%), giá nhóm hàng phi năng lượng giảm nhẹ (chỉ số giá hàng phi năng lượng năm 2013 là 100,5%, năm 2014 dự kiến ở mức 100,3%). Dự báo trong thời gian tới, giá một số hàng hóa nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể bị tác động bởi những bất ổn chính trị tại một số khu vực, tuy nhiên do quy luật thông thường, quý II nhu cầu hàng hóa trên thị trường nhìn chung không cao nên giá hàng hóa sẽ có khả năng ổn định hơn.