Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vang mãi bản hùng ca bất khuất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 12/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo đã tổ chức Hội thảo khoa học về sự kiện tù chính trị là các chiến sĩ cách mạng tổ chức vượt Côn Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện lịch sử này (12/12/1952 – 12/12/2012).

Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cùng hơn 60 nhân chứng là các cựu tù chính trị Côn Đảo.

Cách đây 60 năm, dưới dự lãnh đạo của Đảo ủy Côn Đảo, các chiến sĩ cách mạng là tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm tại đây đã thực hiện kế hoạch nổi dậy, cướp vũ khí địch và tổ chức vượt Côn Đảo. Mặc dù kế hoạch không thành công, tổn thất lớn (198 người tham gia nổi dậy vượt đảo đêm ấy, có 81 đồng chí hy sinh, 117  chiến sĩ bị bắt lại Côn Đảo), nhưng sự kiện đã để lại ấn tượng, ý nghĩa sâu sắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí tiết kiên trung, bất khuất của người Cộng sản.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận được các cựu tù chính trị, trong đó có một số nhân chứng sống trực tiếp tham gia sự kiện, cùng các nhà khoa học lịch sử đã trao đổi, làm sáng rõ hơn nữa ý nghĩa sâu sắc, giá trị to lớn của cuộc nổi dậy và vượt Côn Đảo.
 
Vang mãi bản hùng ca bất khuất - Ảnh 1
 

Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo TP. Hà Nội Nguyễn Văn Hậu nhớ lại: Cuộc vượt ngục này bắt đầu được hình thành từ kế hoạch của Chúa đảo Jarty, khi hắn có ý định mở đường ra Bến Đầm và rải đá cho đoạn đường từ Sở Đá ra mũi Cá Mập. Kế hoạch này của Jarty với mục đích để chúng mở rộng sự kiểm soát ra khu vực phía Tây của Đảo – nơi hay được các tù nhân chính trị của ta chọn để tổ chức vượt đảo.

Nắm được kế hoạch này, Đảo ủy Côn Đảo đã coi đây là thời cơ để cho anh em tổ chức vượt ngục về đất liền. Tại công trường lao động khổ sai ở khu vực Bến Đầm, nhận sự chỉ đạo của Đảo ủy, ngay trong khi dựng lán, dựng lều để lưu trú, anh em tù chính trị ở đây đã mưu trí bố trí vật dụng vượt biển cho mình. Ban ngày lao động cực nhọc, khổ sai nhưng từ 18 giờ đến 22 giờ là anh em lại thay nhau đào hầm dưới gầm lán để làm nơi đóng thuyền. Bằng cách làm này, trong thời gian ngắn, anh em đã chuyển ra ngoài hàng trăm ngàn mét khối đất và chuyển vào đó là hàng chục ngàn m3 gỗ để chống hầm và làm vật liệu đóng thuyền. 5 khung thuyền lớn đã được anh em hoàn thành và cất giấu dưới hầm ngầm mà địch không hay biết gì cả.

Đúng vào 11 giờ ngày 12/12, chiếc khăn lệnh buộc trên đầu Đảo ủy viên Quân sự Phan Du từ Bến Đầm đã vung lên, quay vòng, ra hiệu lệnh giờ khắc hành động đã đến. Cuộc vượt ngục với quy mô lớn này lẽ ra sẽ thành công nếu như không có tình huống bất ngờ về thời tiết. Sau khi hạ thủy, anh em lên thuyền an toàn thì gió đang lặng bỗng nhiên đổi hướng. Cả đoàn thuyền chật vật suốt đêm mà vẫn không qua được lớp "sóng đất”. 5 thuyền thì 2 thuyền đã bị sóng đánh vỡ. 3 thuyền còn lại, đi đến tờ mờ sáng ngày 13 thì do vật liệu mây, tre để lâu trong hầm đã rệu rạo và ngấm nước nên không tải trọng được. Để thuyền bớt trọng tải, nhiều anh em đã tự nguyện nhảy xuống biển dành mạng sống cho bạn tù khác. Cuộc chiến giải phóng tù nhân Côn Đảo không thành công, địch huy động 2 trung đoàn cơ động, có cả không quân và hải quân quần thảo, truy tìm anh em. 81 đồng chí đã hy sinh, trên 100 đồng chí khác cũng bị địch bắt lại và bị trả thù khốc liệt, tàn bạo bằng các cực hình, cùm kẹp dã man tàn bạo nhất.

Chín tháng sau cuộc vượt ngục, địch điều số tù nhân vượt ngục còn sống về Sài Gòn đưa ra Tòa án binh Đông Dương. Nhờ sự giúp sức của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, anh em thống nhất khẩu cung, kiên quyết không khai việc tổ chức chỉ huy và công tác lãnh đạo cuộc vượt ngục. Địch không lên được hồ sơ cụ thể và không có căn cứ đưa ra tòa xét xử. Cho đến khi chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, buộc địch phải đưa các chiến sĩ vượt ngục về trại tù binh Đông Dương và trao trả cho Chính phủ ta.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu tù Côn Đảo Đoàn Duy Thành đánh giá: Cuộc vượt ngục có thể coi là bi tráng và lớn nhất về số lượng và cách phối hợp và bố trí ngoạn mục này tuy không thành công nhưng đã đem đến một hiệu ứng không nhỏ. Sau cuộc vượt ngục quy mô này, bộ máy quản lý tù ở Côn Đảo cũng như đất liền đã hoang mang thực sự trước tinh thần thép của những người Cộng sản Việt Nam. Và hơn cả thế nữa, cuộc vượt ngục bằng đường biển này đã góp phần chia lửa với chiến trường trong khắp đất nước vì địch phải rải mỏng lực lượng để đối phó. Tiếng vang của cuộc vượt ngục đã làm nức lòng quân dân cả nước, còn kẻ thù thì cực kỳ hoang mang.