Thị trường có sóng thì mới có lãi, bởi vì có lãi thì mới có đầu tư, đầu cơ. Tất nhiên, cũng có nhiều người bị lãi "âm" (lỗ), nếu mua ở đỉnh bán ở đáy song, đó là so nó với nó, còn phải so với chỉ số giá tiêu dùng - CPI (thước đo lạm phát). Đó là xét trong ngắn hạn. Điều quan trọng là "răng" của cái cưa đó dốc lên hay dốc xuống để đầu cơ, đầu tư để tránh "lãi giả, lỗ thật". Khi cái cưa dốc lên thì đáy mới cao hơn đáy cũ, đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ. Khi cái cưa dốc xuống thì đáy mới thấp hơn đáy cũ, đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ. Muốn biết xu hướng thì phải xét các yếu tố tác động đến chiều hướng của biến động.
Giá vàng trong nước biến động phụ thuộc vào hai nhóm yếu tố: nhóm yếu tố tác động trên thế giới và nhóm yếu tố tác động từ trong nước.
Nhóm yếu tố tác động đến giá vàng trên thế giới bao gồm hai yếu tố ngược nhau. Yếu tố làm giảm giá vàng là sự hồi phục tăng trưởng kinh tế và sự giảm xuống của tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, làm cho Đô la Mỹ lên giá, trong khi giá vàng được tính bằng USD. Chỉ số đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ yếu (USD Index) đã ở mức 94,295 điểm, vượt rất xa so với các chỉ số trên dưới 80 điểm cách đây một vài năm. Yếu tố làm tăng giá vàng là nhiều nước đã tung ra các gói kích thích để ngăn chặn suy giảm hoặc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu, dễ làm cho dòng vốn tìm nơi trú ẩn vào vàng. Một yếu tố khác có tính chất lưỡng tính, nhưng chiều hướng tác động lại giống như yếu tố thứ nhất, đó là đồng USD ở các nước khác có xu hướng chảy ngược về Mỹ, làm cho đồng USD càng lên giá so với các đồng tiền khác và làm cho giá vàng giảm. Giá vàng thế giới đã có thời gian giảm xuống dưới 1.180USD/ounce cách đây một tháng và đã tăng trở lại sau đó; nhưng đã được dự báo có khả năng giảm trở lại về mức xoay quanh 1.180USD/ounce.
Nhóm yếu tố tác động đến giá vàng ở trong nước có nhiều. Trước hết là CPI đã giảm liên tục trong 3 tháng liền một cách khác thường (2 tháng cuối năm trước và tháng đầu năm nay). Chu kỳ tính CPI tháng 2 đã qua hơn 20 ngày và sẽ kết thúc trước Tết cổ truyền 3 ngày. Diễn biến trong 20 ngày qua, dự báo các yếu tố tác động đến xu hướng trong 10 ngày tới cho thấy, CPI tháng 2 có thể sẽ là tháng tăng thấp nhất chỉ có 0,4% của năm 2011. Mà lạm phát thấp, thì vàng sẽ không có sức hấp dẫn đối với dòng vốn trên thị trường. Một yếu tố khác làm cho giá vàng trong nước khó tăng cao, thậm chí có thể còn giảm, nếu giá thế giới giảm như dự báo ở trên. Đó là tỷ giá VND/USD sau khi tăng khá vào tháng trước (tăng 0,23%), nay đã chững lại, thậm chí có ngày còn giảm. Trong khi đó, giá vàng ở trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới (khoảng 8%). Diễn biến đó có thể sẽ dẫn đến việc nhập lậu vàng từ nước ngoài, tạo sức ép làm giảm giá vàng ở trong nước. Tuy nhiên, cũng có yếu tố làm cho giá vàng ở trong nước tăng. Việc nắm giữ vàng của người dân còn lớn, một mặt do truyền thống, mặt khác do tâm lý "tích cốc phòng cơ" vẫn còn ở nhiều người, trong khi đó thị trường bất động sản thường "yên ắng" cả về giao dịch, cả về giá cả vào đầu năm; đầu năm thường có lượng tiền "rủng rỉnh" từ nhiều nguồn nhiều người thu được tiền. Nhưng với tập quán "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", chưa đưa vốn vào kinh doanh, thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng vẫn là sự lựa chọn của nhiều người…
Tuy có những yếu tố làm tăng, nhưng những yếu tố làm giá vàng giảm trội hơn. Xu hướng biến động của giá vàng tới đây sẽ giống như cái cưa dốc xuống, tuy vẫn còn biến động theo hình răng cưa, nhưng đáy sau thấp hơn đáy trước, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và cuối năm sẽ rơi về mức trên dưới 33,5 triệu đồng/lượng.