Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về La Phù nghe chuyện mắc màn nuôi “ông lợn” rước lễ

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ bao đời nay, lễ rước “ông lợn” đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người La Phù ( huyện Hoài Đức, Hà Nội). Đặc biệt, việc chăm sóc “ông lợn” cho đến ngày đưa lợn tế lên kiệu rước vào đình là một quãng thời gian đòi hỏi sự chu đáo, kỳ công của người nuôi…

Điển tích về tục rước lợn
Theo các cụ cao niên trong làng La Phù, lễ rước “ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Đã từ lâu, cứ vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng Giêng (âm lịch), người dân ở xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) lại náo nức tổ chức lễ tế, hội rước “ông lợn”.
Tục truyền rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong… Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân, qua đó tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương…
 Theo các cụ cao niên ở La Phù, lễ rước ông lợn đã có tự bao đời nay. (ảnh: Đạt Lê).

Nói về tục rước “ông lợn”, ông Nguyễn Hữu Khoa – Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho hay: “Nét văn hóa độc đáo của làng La Phù lâu nay được vẫn gìn giữ và phát huy. Để có một "ông lợn" to, đẹp tế Thánh thì việc lựa chọn người chăm sóc lợn rất khắt khe. Cai đám (người được chọn nuôi lợn tế) buộc phải là người có đức, tài, con cái trong nhà phải có đủ hai vế con gái và con trai. Đồng thời việc chăm sóc lợn để tế Đức Thánh đặc biệt quan trọng, chính vì thế, cai đám phải nuôi "ông lợn" và nuôi với một chế độ đặc biệt, quan trọng nhất là môi trường nuôi, thức ăn phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn”.
Cũng theo ông Khoa, do điều kiện hiện nay các gia đình được “chọn mặt gửi vàng” đăng cai nuôi lợn của xóm không thể nuôi nhỏ lẻ nên những gia đình này có giao cho một số người nuôi lợn tế tập chung theo từng nhóm. Tuy nhiên, việc nuôi lợn tế vẫn buộc phải đảm bảo kỹ lưỡng và chu đáo.
Chăm sóc “ông lợn” ở chế độ đặc biệt
Là người được giao trọng trách chăm sóc 4 “ông lợn” của 4 xóm trong làng, ông Đào Trung Bình (68 tuổi, ở xóm Minh Khai) chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi các cai đám chọn và giao cho nuôi lợn tế. Vì thế, việc chăm sóc các “ông lợn” tôi luôn dành chế độ quan tâm đặc biệt. Thường thì vào tháng 2 hàng năm, các cai đám sẽ chọn lợn, tiêu chuẩn lợn phải vóc dáng cân đối, tướng mã đẹp, là lợn trắng. Lợn khi giao cho tôi nuôi sẽ có trọng lượng khoảng 30 – 40 kg… Việc chăm sóc và nuôi dưỡng lợn dâng lễ cần sự cầu kỳ”.
 Ông Đào Trung Bình (68 tuổi, ở xóm Minh Khai) là người trực tiếp chăm sóc những ông lợn cả năm qua. Ảnh: Đạt Lê.
 Những ông lợn to béo, nặng khoảng 200 - 250 kg được nuôi ở chế độ rất đặc biệt. Chuồng trại, thức ăn phải luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm... (ảnh: Đạt Lê).

Cũng theo ông Bình, những quy định nghiêm ngặt trong quá trình nuôi lợn lễ buộc phải tuân thủ đó là: Phải cho ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, không được cho lợn ăn thức ăn thừa hay những thức ăn đã bị ôi thiu. Cám phải là cám gạo trộn với ngô xay hoặc gạo nếp rảnh được nấu chín. Khi cho lợn ăn rau cũng phải được rửa sạch sẽ. Máng ăn và chuồng trại luôn được phun rửa để giữ sạch sẽ.
Mùa hè, lợn vốn nóng cộng với thời tiết nắng nóng nên việc tắm rửa cho lợn ngày phải vài lần. Mùa đông thì tắm ít hơn, tuy nhiên vẫn phải tắm cho lợn ít nhất ngày một lần. Trường hợp, nhiệt độ quá thấp, trời quá lạnh thì buộc phải đốt lò than sưởi ấm cho lợn. “Khi phát hiện lợn hắt hơi, sổ mũi phải gọi bác sỹ thú y đến kiểm tra. Việc chăm sóc các “ông lợn” gia đình tôi luôn có sự quan tâm của cán bộ thú y để đảm bảo cho lợn tế lớn nhanh, to đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm”. – Ông Bình nói.
 Ông Đào Trung Bình chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về quá trình chăm sóc cho lợn tế lễ.

Ngoài ra, ông Bình tiết lộ, trong 3 tháng gần lễ hội (từ tháng 10) chế độ chăm sóc càng được trú trọng hơn. Từ thời điểm này, các “ông lợn” không còn không ăn cám mà phải nấu cháo hoa cho lợn ăn… Khi thời tiết giao mùa, lúc trời nồm, muỗi nhiều nên lợn tế lại càng được chăm sóc chu đáo hơn. Để lợn không bị muỗi đốt làm đỏ da khi sửa lễ, buộc phải mắc màn hoặc đốt hương đuổi muỗi trong chuồng… Và lợn tế khi lên kiệu dáng đẹp, da đẹp thì dân làng tin rằng trong năm sẽ gặp những điều thuận lợi khi làm ăn và ngược lại, lợn tế không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến xóm. Do đó, các ai đám và các cụ cao niên vẫn thường xuyên đi thăm "ông lợn" theo kiểu "thanh tra đột xuất" việc chăm sóc.
Độc đáo lễ rước
Trưởng Ban tổ chức Lễ hội La Phù, ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết, đến ngày lễ hội, sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, cai đám sẽ đến đón lợn về nhà. Sau đó làm mấy mâm cỗ để mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt lợn. Một nét độc đáo là người ta phải trải chiếu từ cổng chuồng để rước "ông lợn" ra ngoài. Xã La Phù có 15 xóm, tuy nhiên, năm nay một số xóm cư dân lớn có làm thêm nên sẽ có 17 “ông lợn” được rước về đình trong đêm.
Để tôn lên sự trang nghiêm, lòng thành kính với và mang tính thẩm mỹ cao, các xóm cử người có trách nhiệm, khéo léo trang trí cho "ông lợn”. Việc làm đẹp cho lợn tế rất kỳ công, trong đó khó nhất là phần căn những lá mỡ mỏng tang phủ lên lưng lợn sao cho những lá mỡ có hình đan như mắt lưới. Ngoài ra lợn còn được đặt trên một giá đỡ cao, quanh giá đỡ trang trí nhiều họa tiết hoa văn. “Trên mắt, tai, mũi, đuôi, chân và nhiều phần khác trên cơ thể "ông lợn” còn được dán giấy mô phỏng rất cầu kỳ. Tuy nhiên, nghiêm cấm việc dùng phẩm màu để trang trí, nếu phát hiện thì các cụ sẽ có hình thức phạt”. – Ông Khoa cho hay.
 Đình làng La Phù trong đêm nay (13 tháng Giêng, âm lịch) sẽ diễn ra lễ rước, tế các ông lợn. (ảnh: Đạt Lê).

Theo một số cụ cao niên trong làng, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 13 tháng Giêng, những người lớn tuổi đến làm lễ tại nhà cai lợn. Người thịt lợn không được dùng roi quất hoặc dùng dây trói buộc "ông lợn" mà phải dùng tay để giữ. Sau khi thịt, "ông lợn" được đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong để tạo dáng chống mình lợn lên cao. Tiếp đó, “ông lợn” được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng cho lợn như lúc còn sống. Chiều rộng, dài của chõng tùy trọng lượng của lợn. "Ông lợn" đã yên vị trên kiệu, người ta bắt đầu trang trí "ông" bằng những bông hoa từ giấy màu, tết hoa tươi thành vòng.
Bác Nguyễn Văn Hoa (ở xóm Minh Khai) chia sẻ: “Với kinh nghiệm nhiều năm qua thì, muốn có giải cao về “ông lợn” tế đẹp thì phải hết sức quan tâm đến “áo khoác” của “ông lợn”. Và “áo khoác" chính là miếng mỡ lá lấy ra từ bên trong khi mổ lợn. Theo kinh nghiệm thì những "ông lợn" nào được phủ lá mỡ nhiều, đều và hình như tấm áo lưới đẹp trên thân mình, cộng với việc trang trí bắt mắt thì sẽ có cơ hội giành được giải cao”.
Các cụ trong Ban khánh tiết đình xã La Phù cho hay, đến khoảng 18 giờ, khi những chiếc đèn lồng, đèn nháy trang trí khắp đường làng, ngõ xóm đồng loạt sáng là lúc các xóm nhộn nhịp rước kiệu lợn ra đình. Theo lệ, xóm gần rước trước, xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: Đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo sẽ là bàn với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Cuối cùng, kiệu của "ông lợn" được khiêng bởi những thanh niên tráng kiện được tuyển chọn trong làng.
 Thông tin từ Ban tổ chức Lễ hội La Phù, đêm 13 tháng Giêng 2018 sẽ có 17 ông lợn được trang trí đẹp mắt được rước vào đình làng. (ảnh: Đạt Lê).

Những năm gần đây, kinh tế của các gia đình được phát triển, do đó lễ rước càng trở nên nhộn nhịp hơn. Các xóm đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn. Khi đến đình làng, bàn lễ của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong, lễ lợn được khiêng vào sân đình và chờ đến gần 24 giờ sẽ đưa vào hậu cung để các cụ làm lễ. Đến sáng ngày 14, trước sự đông đủ của bà con ở sân đình, các cụ sẽ công bố điểm thi xem lợn của xóm nào đẹp và có quà tặng. Sau đó, từng xóm lại khiêng lợn về và xẻ thịt, chia phần cho từng hộ trong xóm.
Trong những ngày Xuân này, ai đến với Lễ hội rước lợn ở La Phù chắc rằng sẽ mãn nhãn với những “ông lợn” được trang trí rất bắt mắt; Cùng với đó sẽ được trải nghiệm với những trò chơi dân gian và đặc biệt là không gian văn hóa lễ hội độc đáo của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.