Lưu ý khi tắm tối cho trẻ em, không quá lâu và không tắm với nước quá nóng: làn da trẻ nhỏ được bao phủ bởi một lớp màng lipit cần được bảo vệ. Nếu không, làn da sẽ trở nên khô, yếu đuối…
Sự có mặt của rất nhiều loại gel, sữa tắm, sản phẩm khử mùi, dung dịch vệ sinh, nước súc miệng… giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn nhưng liệu bạn có đang “lạm dụng” chúng và khiến việc vệ sinh trở thành phản tác dụng?
Cơ thể: 1 lần tắm/ngày là đủ
Với khí hậu nóng nực ở các nước nhiệt đới, tắm tối là thích hợp nhất. Lưu ý khi tắm tối cho trẻ em, không quá lâu và không tắm với nước quá nóng: làn da trẻ nhỏ được bao phủ bởi một lớp màng lipit cần được bảo vệ. Nếu không, làn da sẽ trở nên khô, yếu đuối…
Không cần thiết phải xoa kem dưỡng nếu làn da hoàn toàn bình thường.
Mắt: trừ trường hợp bị ngứa rát
Không cần phải rửa mắt nếu như không có vấn đề gì xảy ra. Nếu như mắt bị ngứa và cộm, hãy nhỏ dung dịch muối rửa mắt.
Vùng kín chỉ hợp với những chất tẩy rửa dịu nhẹ
Âm đạo phụ nữ thường xuyên chứa nhiều vi khuẩn có ích. Nếu rửa quá nhiều sẽ làm mất đi những sinh vật có ích này. Sử dụng xà phòng, dung dịch tẩy rửa không phù hợp cũng làm sưng đỏ, đau rát lớp da nhạy cảm của âm đạo.
Tốt hơn hết là nên sử dụng một chấy tẩy rửa dịu nhẹ, không mùi để vệ sinh khi cần thiết, nhất là trong những ngày kinh nguyệt. Không nên “lạm dụng” băng vệ sinh hàng ngày. Nếu sử dụng, hãy thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh bị viêm nhiễm âm đạo.
Răng: 3 lần/ngày
Lý tưởng nhất là đánh răng 3 lần/ngày (sáng, trưa và tối).
Theo Hiệp hội về Sức khỏe răng miệng Mỹ, vì bàn chải được dùng nhiều mỗi ngày nên cần thay đổi bàn chải thường xuyên. Tốt nhất là thay bàn chải đánh răng trước khi lông bàn chải bị sờn hay loe ra hai bên.
Thông thường, hãy thay bàn chải sau 3-4 tháng sử dụng. Với người ốm, hãy thay bàn chải đánh răng mới sau khi phát hiện bệnh và thay bàn chải khác khi bệnh thuyên giảm và khỏe trở lại.
Tai: Cẩn thận khi dùng tăm bông ngoáy tai
Dùng tăm bông ngoáy tai sau khi tắm là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, khi sử dụng dụng cụ vệ sinh này, hãy thật cẩn thận để tránh làm tổn thương màng nhĩ.
Ngoài ra còn một cách vệ sinh tai nữa như sau: lấy xi lanh bơm đầy nước (nhiệt độ bằng thân nhiệt), nghiêng đầu, nhẹ nhàng bơm nước vào ống tai để nó tự chảy ra ngoài. Sau đó, lau khô tai.
Tuyệt đối không rửa tai khi tai bị đau, có dấu hiệu mưng mủ, chảy máu, viêm tai hay những vấn đề khác. Không soi tai để lấy ráy tai vì việc này rất nguy hiểm.
Tay: với nước và xà phòng
Cần phải rửa tay thường xuyên để tránh sự lây lan của bệnh tật, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước bữa ăn, sau một hoạt động tay chân, sau khi ôm chó hay mèo…
Xà phòng dịu nhẹ là đủ để rửa sạch tay. Các sản phẩm sát trùng, diệt khuẩn chỉ nên dùng trong trường hợp có dịch cúm hoặc dịch tiêu chảy vì những sản phẩm vệ sinh cá nhân này có thể khiến da bị kích ứng, mẩn ngứa hay thậm chí gây viêm da.
Khi rửa tay, đừng bỏ qua các khe ngón tay, mu bàn tay. Xoa vội hai lòng bàn tay vào nhau chẳng thể giúp bàn tay sạch sẽ hoàn toàn được. Sau khi rửa xong, nhớ lau khô tay.
Mũi: chỉ khi bị cảm cúm
Không cần phải nhỏ nước muối sinh lý nếu như bạn không gặp bất cứ vấn đề nào về mũi. Một số công việc phải tiếp xúc thường xuyên với bụi bẩn mới nên nhỏ mũi mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi bạn bị cúm, rửa sạch mũi là việc bắt buộc. Bạn có thể dùng dạng bình xịt phun sương hoặc dạng nhỏ thành giọt. Sau khi rửa xong, nhớ xì mũi nhè nhẹ để làm sạch các dịch còn sót lại trong mũi.