Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vi bằng là gì?

Chia sẻ Zalo

Hỏi: Tôi mua một căn hộ, bên bán yêu cầu đặt cọc 100 triệu đồng. Văn phòng Thừa phát lại tư vấn cho tôi phải lập vi bằng liên quan đến việc ký hợp đồng đặt cọc và giao nhận tiền giữa 2 bên. Vậy, luật sư cho hỏi vi bằng là gì và vi bằng có giá trị như thế nào?

Nguyễn Văn Hà (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai)
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định "Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Theo quy định tại điều 28 của nghị định này thì Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định: "Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật".
Như vậy, Vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ chứ không phải là một thủ tục hành chính để bảo đảm giá trị tài sản. Văn phòng thừa phát lại cũng chỉ ghi nhận lại hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng thực quan hệ giao dịch mua bán tài sản. Vi bằng không có chức năng như công chứng, công chứng chứng thực việc giao dịch mua bán tài sản.
Trong thực tế, bạn có thể gặp trường hợp người khác nhờ bạn làm chứng cho một giao dịch hay một sự việc cụ thể (làm chứng cho di chúc miệng, làm chứng cho việc giao nhận tiền đặt cọc...). Khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp mời bạn lên với tư cách người làm chứng. Bạn sẽ mô tả lại những việc mà bạn chứng kiến có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của bạn có là chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần đối chất, kiểm tra lại. Còn Thừa phát lại khi lập Vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả bằng văn bản, quay phim, chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết) tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở Tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Chính những yếu tố đó là ưu điểm cho Vi bằng và luật quy định bản thân Vi bằng có giá trị chứng cứ.
Thừa phát lại
Bùi Trọng Hào
Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn